In trang

Nông thôn mới: Lời giải cho bài toán 5 năm
Cập nhật lúc : 11:11 14/04/2016

Theo sau những con số đầy nỗ lực của NTM giai đoạn I (2010 – 2015) với 1,761 xã chiếm 19,7% xã trên cả nước đạt chuẩn NTM, 17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 263,127 tỷ đồng đã được huy động, là không ít nỗi lo khi tỷ lệ đạt chuẩn của miền Đông Nam bộ là hơn 46% thì vùng miền núi phía Bắc là chỉ hơn 9% và Tây nguyên là 15,5%, nợ đọng do “bệnh thành tích” chạy đua NTM có nguy cơ để lại hậu quả khôn lường.

Sau 5 năm, rất nhiều bài học được nghiệm ra từ chính những người làm Nông thôn mới cấp địa phương và có cả nhiều bài toán được đặt hàng cho NTM giai đoạn II.

Ban chỉ đạo phải hạn chế tối đa việc kiêm nhiệm!

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT, CVPĐP NTM Sóc Trăng:

Sau 5 năm xây dựng NTM, có thể thấy một điểm khó là nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù NTM huy động cả sức dân, nguồn vốn nhà nước, doanh nghiệp...nhưng nguồn lực nhà nước vẫn là chủ lực, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm. Năm 2016 - 2020, chúng ta nên đi vào đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

 Về 19 tiêu chí NTM, qua 5 năm đi vào triển khai tại địa phương đã cho thấy các bất cập, vì mỗi địa phương có những đặc thù riêng. Như tiêu chí về Văn hóa quy định mỗi xã, ấp phải có khu văn hóa, khu thể thao tập trung quy mô... Đối với Sóc Trăng, chúng tôi gộp 2 xã, 3 xã, thậm chí có đến 6 xã thành một cụm văn hóa thể thao. Có đầu tư như vậy mới đạt yêu cầu. Nếu cứ dàn trải các tiêu chí xã hội, và với 19 tiêu chí thì khó có địa phương nào làm được.

Để nâng cao chất lượng, Ban chỉ đạo phải hạn chế tối đa việc kiêm nhiệm. Ban chỉ đạo cấp xã mà không sát dân thì làm sao vận động được nhân dân. Có những tiêu chí không tốn nhiều tiền, vận động nhân dân và Nhà nước cùng làm, như vệ sinh môi trường, phát quang... thì rất cần tâm huyết của những người làm NTM cấp huyện, xã.

Tình trạng phân bổ theo tỷ lệ còn cào bằng và chia đều!

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, CVPĐP NTM Bắc Giang:

 Về phân bổ nguồn vốn, nên quan tâm đến các điều kiện về dân số, diện tích rồi kết quả triển khai thực hiện để bố trí phân bổ. Hiện nay tình trạng phân bổ theo tỷ lệ còn cào bằng và chia đều. Trong khi chỉ đạo là không dàn trải, tránh thất thoát, lãng phí mà không trọng tâm, trọng điểm là rất khó!

Không thể chỉ lo các xã mới về đích còn các xã nghèo thì tiếp tục nghèo!

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, CVPĐP NTM Quảng Nam:

Đối với các tỉnh miền núi, tồn tại chung của chương trình là chênh lệch giữa nhóm xã về đích và xã đạt tiêu chí thấp - các xã miền núi. Với 19 tiêu chí, về nhóm hạ tầng, mục tiêu chung là xây dựng hoàn thiện cơ bản hạ tầng thiết yếu. Nhưng đối với các tỉnh miền núi, mục tiêu này là không hề dễ dàng! Trong khi đó, một số cơ sở hạ tầng được quy định là nhóm cần ngân sách trung ương 100%. Khi ngân sách trung ương gặp khó, thì ngân sách địa phương phải hỗ trợ. Nhu cầu lớn mà phải đảm bảo tiêu chí trong khi thiếu hụt ngân sách thì dẫn đến nợ.

Để kiểm soát nguồn vốn tốt, phải có cơ chế phân cấp ngân sách thật rõ ràng. Đối với từng hạng mục phải làm rõ ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, cấp xã cần đóng góp, ngay cả đối với các hạng mục cần huy động nguồn lực từ dân.

Tiêu chí phân bổ ngân sách cần phải điều chỉnh, vì NTM giai đoạn II không thể chỉ lo các xã mới về đích còn các xã nghèo thì tiếp tục nghèo, nên giao cho tỉnh chủ động nguồn vốn ngân sách.

Thẩm định NTM phải tuân thủ công khai và minh bạch

Ông Lê Văn Gọi, P.CVPĐP NTM Đồng Nai:

Trong thẩm định NTM phải tuân thủ công khai và minh bạch, vì số lượng các đơn vị cần thẩm định rất lớn. Từng địa phương nên có tiêu chí NTM để thẩm định cho riêng mình, ví dụ như ở Đồng Nai, cũng 19 tiêu chí nhưng là 54 chỉ tiêu, đòi hỏi khó hơn, vì ngay từ đầu, các xã không nóng vội. Riêng về đánh giá NTM ở cấp xã, nên mở rộng lấy ý kiến nhân dân hơn nữa. Ngoài họp dân, lấy ý kiến qua các kênh Mặt trận, nên phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ dân.

Về nhân sự Ban điều phối địa phương, TƯ nên mạnh mẽ quy định số lượng nhân viên văn phòng điều phối rõ ràng theo phân cấp số lượng xã của tỉnh, từ 100 - 150 xã thì bao nhiêu nhân viên, 150 - 200 thì bao nhiêu? Muốn có chuyên viên NTM chuyên nghiệp thì phải có cơ chế thành lập phòng ban rõ ràng.

“Cháy” thầy Nông thôn mới!

Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó CVPĐP NTM Hà Tĩnh:

Hiện Hà Tĩnh đang “cháy” thầy NTM vì nhu cầu cao quá, đội ngũ cán bộ NTM về hướng dẫn tại các xã vẫn được tập huấn nhưng vẫn thiếu! Chúng tôi không sử dụng người kiêm nhiệm, phải là 100% thời gian, toàn tâm, toàn ý, là người của Văn phòng NTM. Hiện Hà Tĩnh đang có các chế độ phụ cấp cho cán bộ NTM, như phụ cấp 75% lương và chế độ thanh toán làm ngoài giờ…Chúng tôi khuyến khích đi cơ sở càng nhiều càng tốt. “Đội ngũ đặc nhiệm” NTM của Hà Tĩnh là 100% máy tính xách tay hoặc máy tính bảng, bắt buộc phải kết nối mạng, không mạng internet thì phải có 3G để khi cần phải kết nối được dữ liệu ngay.

Nguồn: http://nongthonviet.com