In trang

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cần cơ chế đột phá
Cập nhật lúc : 10:18 20/03/2017

Đó là vấn đề chung nhất được thảo luận tại hội nghị tham vấn các chuyên gia, ban, ngành, địa phương về dự thảo kế hoạch tái cơ cấu lại (TCC ) ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngày 17/3

Kết quả sau 3 năm thực hiện TCC

Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thu được những thành quả nhất định góp phần duy trì và tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Cụ thể, các địa phương đã thực hiện chuyển đổi thành công hơn 390.000ha lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và cây trồng khác. Quy mô và số lượng các trang trại đã cải thiện đáng kể từ 9.377 trang trại (2013) lên 12.888 trang trại (2016). Trồng trọt và chăn nuôi áp dụng công nghệ cao được đẩy mạnh góp phần tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản tới những thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khá, giai đoạn 2013 – 2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1 tỷ USD. Từ 2013 – 2015 mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tăng trưởng: tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Năm 2016 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt 1,36%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tỉ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất tăng từ 63,9% năm 2012 lên 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014, 68% năm 2015. Thu nhập bình quân hộ nông dân tăng từ 73,2 tr.đồng/năm 2012 lên 97,6 tr.đồng năm 2015.... 

Tuy nhiên trong quá trình phát triển còn bộc lộ nhiều hạn chế, kết quả chưa rõ nét, chưa đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền. Các vấn đề đất đai, thị trường, công nghiệp chế biến, quản lý chất lượng vật tư đầu vào và an toàn thực phẩm… còn nhiều bất cập.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thế nào? 

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, thời gian tới ngành nông nghiệp cần sửa đổi và thực hiện các vấn đề về đất đai, tín dụng, cơ chế chính sách, phương thức sản xuất... phù hợp tình hình hiện tại cũng như hội nhập quốc tế. Theo dự thảo mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt ít nhất là 3%; tốc độ tăng năng suất lao động sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân hằng năm đạt hơn 3,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%, tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông đạt hơn 35%... Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu.

Một số ý kiến tại Hội nghị cho rằng mục tiêu của Bộ về giải quyết khó khăn, tồn tại trong thời gian tới là rất rõ ràng. Tuy nhiên các bước thực hiện cần được cụ thể hóa hơn. Cần xây dựng những mốc thời gian cụ thể để có lộ trình thực hiện đối với những việc trọng tâm, như: Vấn đề về tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu ngành trồng trọt và các vấn đề hỗ trợ cho vay, tín dụng đối với người nông dân… 

Tại hội thảo, ông Bùi Như Ý – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, tôi không thấy kết quả rõ rệt khi thực hiện chương trình này trên địa bàn Vĩnh Phúc. Trong quá trình thực hiện, ngành nông nghiệp bộc lộ nhiều vấn đề mà không phải cứ đổ tiền vào nhiều là thành công. Cụ thể với đất đai chưa có cơ chế đột phá,  chính sách và cơ chế đất đai còn bộc lộ nhiều hạn chế”.

Theo ông Ý, nếu muốn có đột phá trong phát triển nông nghiệp  chúng ta phải có cơ chế đột phá về đất đai. Chúng ta đang thu hút và khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, doanh nghiệp cần nhất là cơ chế thông thoáng, đặc biệt là vấn đề đất đai. Doanh nghiệp không thể đầu tư lâu dài và bài bản nếu không có đất đủ để đầu tư sản xuất.

Giải đáp về các thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách đất đai và chính sách tín dụng đang được Bộ NNPTNT tập trung kiến nghị Chính phủ tháo gỡ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Hiện nay bộ đang rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách đất đai liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, bao gồm chính sách về tạo thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, tiếp tục hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch quỹ đất cho sản xuất chăn nuôi và trồng cây thức ăn chăn nuôi”.

Đối với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp đang là một vấn đề cần được làm rõ. Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu thị trường, các sản phẩm nông nghiệp bán cho thị trường nào, kế hoạch cụ thể  cũng như lộ trình thực hiện ra sao. Trong điều kiện nước ta hội nhập cao, tính cạnh tranh rất lớn, cây ăn trái, thịt gia súc gia cầm nước ngoài đã tràn vào thị trường trong nước rất mạnh. Chúng ta đang bị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Vì vậy, bên cạnh mở rộng thị trường nước ngoài, cần tính toán cả nhu cầu thị trường trong nước, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cần phải đảm bảo để không xảy ra mâu thuẫn giữa việc đưa công nghệ cao vào sản xuất và việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn. Theo ông Dương, nhờ công nghệ mà giá trị và sản lượng sản phẩm được cải thiện, tuy nhiên mặt trái của vấn đề đó là sẽ có một số lượng không nhỏ người nông dân mất việc làm do lao động chân tay bị thay bằng máy móc hay cắt giảm lao động nhờ những quy trình sản xuất tiên tiến, hiệu quả và tiết kiệm hơn....

Về mục tiêu quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết: “Bộ đặt ra mục tiêu tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 3%/năm, tốc độ tăng thu nhập trên 1ha đất trồng trọt đạt trên 3%/năm, thu nhập từ chăn nuôi bình quân đạt 5%/năm, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản đạt 5%/năm…

Đóng góp vào kế hoạch cơ cấu lại ngành trồng trọt, ông Lê Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Ngành trồng trọt có dư địa lớn để tăng trưởng nếu đầu tư khoa học công nghệ, cho nên nếu đặt mục tiêu ngành trồng trọt 3% khá khiêm tốn, chúng ta có thể đặt mục tiêu 3,2-3,5%. Ngành trồng trọt sẽ có cơ hội phát triển sâu nếu chúng ta đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giống cây trồng”.

Ông Bình cho biết thêm, hiện nay, những vấn đề khó khăn để nông dân cũng như doanh nghiệp mở rộng sản xuất làm ăn lớn là thuế, phí và tín dụng. Bộ NNPTNT cần đưa ra các chính sách, kiến nghị đề xuất cụ thể rõ ràng về tín dụng và có lộ trình thực hiện.

Dựa trên những ý kiến đóng góp của những chuyên gia đầu ngành, dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp sẽ sớm được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện từ năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.

Văn phòng Điều phối tỉnh (tổng hợp)