In trang

Thanh niên miền Tây phát triển kinh tế hợp tác chung tay xây dựng nông thôn mới(02/04/2013)
Cập nhật lúc : 11:20 29/10/2013

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) và Tổ hợp tác (THT) thanh niên, chung tay xây dựng nông thôn mới, từ ngày 1 đến 3/4/2013, Hội nghị chuyên đề về Tổ hợp tác và Hợp tác xã thanh niên vùng Đông bằng sông Cửu Long đã được tổ chức tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Trung ương Đoàn và hơn 150 đoàn viên, thanh niên đại diện từ 13 tỉnh ĐBSCL về tham dự. Lãnh đạo Cục Hợp tác xã (Bộ KH&ĐT), Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tham gia và có ý kiến chia sẻ với các đại biểu về vai trò, phương pháp cách làm phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, đặc biệt trong bối cảnh cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới.

 

Theo báo cáo của các tỉnh Đoàn, vùng ĐBSCL hiện đã thành lập và phát triển được trên 450 THT thanh niên (tập trung nhiều ở Đồng Tháp, Kiên Giang), số HTX mới thì chưa đáng kể. Cùng với đó, Đoàn viên thanh niên đã tích cực tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, tham gia các hoạt động xây dựng công trình hạ tầng, cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng-Chính quyền-Đoàn thể nhân dân. Sự tham gia của Đoàn đã thực sự thổi thêm sức sống trẻ, nâng cao thêm niềm tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

 

Ngoài các thành tựu đạt được, các ý kiến của đại biểu cũng phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được Trung ương Đoàn và các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, hỗ trợ. Đó là nhận thức của Đoàn viên, thanh niên còn chưa hiểu rõ về vai trò của HTX, THT đối với phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Năng lực đoàn viên thanh niên đảm nhiệm dẫn dắt các mô hình này còn hạn chế, vẫn còn nhiều lúng túng trong tìm hướng phát triển sản xuất-kinh doanh, tiếp cận thị trường. Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn (Vốn 120 Trung ương Đoàn, vốn tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp, vốn Chương trình NTM…) đang là một nguyên nhân dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của các mô hình. Ngoài ra, thiếu vắng sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng làm giảm động lực của các mô hình.

Vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tuy nhiên trình độ lao động còn thấp và thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính liên kết trong phát triển nội vùng, vấn đề lao động di cư ra đô thị và hạ tầng yếu kém đang là những trở ngại lớn cho xây dựng phát triển nông nghiệp nông thôn.

 

Đoàn viên, thanh niên được đánh giá là có sức khỏe và mạnh dạn tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để từ đó vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu. Đây cũng là lực lượng luôn tích cực tiếp thu, có nhiều sáng kiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Với ưu thế nổi bật đó, thanh niên sẽ đóng vai trò rất quan trọng đưa sự nghiệp xây dựng nông thôn mới đi tới thành công.