In trang
Đoàn chủ tịch kỳ họp

Thừa Thiên Huế phấn đấu mục tiêu đạt 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020
Cập nhật lúc : 10:38 31/08/2016

Tại phiên họp sáng 31/8 kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá VII, trả lời chất vấn về khả năng và các giải pháp thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đồng chí Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc ở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, đã xác định phấn đấu mục tiêu 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020

1. Mục tiêu 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 

Trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2011-2015[1], thực hiện mục tiêu chung của cả nước theo Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, theo đó Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm các tỉnh Bắc Trung Bộ, mục tiêu đến năm 2020 phải có 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 61/104 xã. Tăng thêm 41 xã/5 năm, bình quân 8 xã/năm.

Đây là một mục tiêu khá cao, cần nhiều nổ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để hoàn thành đúng tiến độ.

2. Một số thuận lợi và khó khăn thách thức

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn thách thức:

- Giai đoạn 2016-2020, phần lớn các xã trong nhóm có khả năng đạt chuẩn còn nhiều tiêu chí liên quan hạ tầng cần tập trung đầu tư, tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới, tiếp cận đa chiều) còn cao,…

- Phân tích kết quả đạt được đến nay, trong số 521 tiêu chí còn chưa đạt ở 104 xã, nhóm tiêu chí liên quan đến kết cấu hạ tầng nông thôn còn 259 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 50%, là nhóm tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư; tiêu chí Tỷ lệ hộ nghèo còn 90 xã[2], tiêu chí Môi trường có 88 xã,... là những tiêu chí khó khăn để đạt mức chuẩn theo yêu cầu mới. Ngoài ra, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên một số tiêu chí đạt được mới ở mức chuẩn tối thiểu, chưa thật sự bền vững, cần phải tiếp tục quan tâm đầu tư duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí;

Tuy nhiên Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 có nhiều thuận lợi, đó là:

Thời gian tới Chính phủ tập trung cho 2 Chương trình  là: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình  Giảm nghèo bền vững, do đó dự báo nguồn lực cho Chương trình được tăng đáng kể (riêng nguồn hỗ trợ của Trung ương tăng 2,38 lần so với giai đoạn 2010-2015);

Cơ chế hỗ trợ được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn để thực hiện Chương trình: Như mở rộng đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các xã: Khu thể thao, nhà văn hoá thôn bản, cải tạo nghĩa trang, cảnh quan môi trường, lưới điện nông thôn, chợ nông thôn,..;

Đã có nhiều bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2015.

Trên cơ sở phân tích kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2015 và những khó khăn, thuận lợi và kế hoạch cụ thể của các địa phương, Thừa Thiên Huế phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 như mục tiêu Chính phủ đề ra cho các tỉnh Bắc Trung Bộ là 59%.

Hiện tại, toàn tỉnh có có 53 xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên, tổng tiêu chí còn lại cần đạt là 255 tiêu chí (trong đó số tiêu chí liên quan hạ tầng là 135 tiêu chí, tỷ lệ 53%).  Theo kế hoạch, phấn đấu bình quân mỗi năm đạt 1 tiêu chí/ xã, sẽ bảo đảm mục tiêu trên vào năm 2020.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo là trọng tâm của xây dựng nông thôn mới 

 

3. Các  giải pháp cơ bản thực hiện Chương trình 

Tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào Chương trình; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp để thực hiện Chương trình bảo đảm mục tiêu và hiệu quả cao;

Phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở ngành liên quan theo nội dung từng tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định.

Tăng cường huy động, đa dạng hoá các nguồn vốn, bố trí nguồn vốn hợp lý, bảo đảm hiệu quả đầu tư để thực hiện Chương trình

Tăng cường thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, kế hoạch, dự án của từng ngành và mỗi địa phương để ưu tiên hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nhằm đạt được mục tiêu của Tỉnh, của ngành, của địa phương;

Bên cạnh nguồn vốn của TW, cần tăng thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) để thực hiện Chương trình. Theo Quyết định 1600/QĐ-TTg, cơ cấu vốn địa phương phải bảo đảm gấp 2 lần nguồn vốn hỗ trợ của TW để xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần ưu tiên bố trí ngân sách và huy động lồng ghép các nguồn lực để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Theo chỉ đạo của Chính phủ (QĐ 1600) từ 2017 quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất  trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới;

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn lực huy động của các tổ chức, doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới;

Bố trí, sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2016 – 2020 với phương châm phát triển sản xuất là gốc, lấy tiêu chí thu nhập làm mục tiêu số 1 trong xây dựng nông thôn mới.   

Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, tăng thu nhập và giảm nghèo ở nông thôn   

Là một trong những giải pháp cơ bản và lâu dài trong xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới cần tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo việc làm với nhiều ngành nghề ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho người nông dân có thu nhập ngày càng cao, ổn định cuộc sống. Tiếp tục tập trung làm tốt công tác giảm nghèo theo hướng tiếp cận mới, đa chiều (thu nhập, nhà ở, hưởng thụ giáo dục, y tế,…), chú trọng nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

 Văn phòng Điều phối tỉnh 



[1] Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh có 20/ 92 xã đạt chuẩn nông thôn mới,  đạt tỷ lệ 21,7%. Từ 2016 mới bổ sung 12 xã, đưa tổng số xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới lên 104 xã.

[2] Số liệu này chưa trừ hộ nghèo diện hưởng bảo trợ xã hội