In trang

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc : 09:11 03/11/2017

Ngày 31/10 Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản số 77-KL/TU Kết luận Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng Bộ Tỉnh khóa XV về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020

Theo đó, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 nhọp ngày 18/10 dã thảo luận các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020 và kết luận:

Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động; phát huy được vai trò “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng lợi”. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhiều xã đã phát huy nội lực chỉnh trang, mở rộng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã, thôn được quan tâm. Việc huy động nguồn lực do dân đóng góp đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 21,2% số xã.

Tuy vậy, việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí còn lúng túng; có địa phương tự thỏa mãn với kết quả vừa đạt được. Một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 không tiếp tục nỗ lực duy trì, phấn đấu đạt theo chuẩn mới. Các tiêu chí về phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất chuyển biến chậm, chất lượng chưa cao và không bền vững. Việc đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập hiệu quả không cao.

 

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Công tác chỉ đạo Chương trình ở một số địa phương thiếu quyết liệt. Một số cấp ủy, chính quyền xem Chương trình như dự án đầu tư, nên chỉ quan tâm đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng; thiếu tập trung chỉ đạo các tiêu chí về văn hóa - xã hội - môi trường, hệ thống chính trị. Một bộ phận người dân còn thiếu trách nhiệm đóng góp khi tham gia Chương trình; chưa thực sự đóng vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, thông báo chậm, thủ tục phức tạp. Sự phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị còn lúng túng.

Để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện Chương trình. Các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng mỗi đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung, tiêu chí cụ thể. Nâng cao trách nhiệm, phân công cụ thể các ngành trực tiếp đỡ đầu cho các xã; vận động các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới.

Toàn văn Kết luận xin xem ở mục Văn bản mới

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh