Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

452
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 08:37 07/09/2021
Triển vong phát triển OCOP từ dược liệu địa phương
Với bí quyết từ nghề gia truyền, anh Tà Rương Mão ở xã Thượng Long (Nam Đông) đã sưu tầm, trồng cây dược liệu, tạo ra sản phẩm rượu và thuốc y học cổ truyền... được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Sống ở vùng cao lại lợi thế đặc thù công việc là cán bộ văn hóa xã, anh Mão có nhiều thời gian khảo sát, nghiên cứu về các cây dược liệu ở địa phương và vùng lân cận. Anh cho biết, từ lâu người dân địa phương đã biết những cây, như ngũ gia bì, bạc hà rừng, thạch sơn bồ, quế, gừng rừng, trâu rừng... là những loài dược liệu có công dụng điều trị bệnh tật và bồi bổ sức khỏe cho con người. Tuy nhiên, việc sưu tầm, nhân giống và chế biến các loài cây này gặp nhiều khó khăn do chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, mức đầu tư khá lớn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Do đó người dân rất khó tiếp cận, tạo các mô hình sản xuất ra sản phẩm mang tính thị trường.

“Nhận thấy đầu tư vào cây dược liệu là hướng đi lâu dài, năm 2015, tôi quyết định thành lập cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây dược liệu trên kết hợp bí quyết của gia đình chế biến loại rượu sinh dưỡng “Tà Rương Mão”. Loại rượu này được kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật nấu rượu truyền thống theo nguyên lý tương khắc âm dương của dân tộc Cơ Tu bằng men rượu thảo dược lấy từ cây vằng đằng, thạch sơn bồ, thiên niên kiện... trị các bệnh như đau nhức tay chân, đau bụng, lưng, kén ăn... Chỉ một thời gian ngắn, rượu “Tà Rương Mão” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”, anh Mão nói.

Hiện, cơ sở chế biến rượu “Tà Rương Mão” của anh Mão là mô hình tiên phong ở huyện vùng cao Nam Đông trong việc nghiên cứu sản xuất men Piềng kết hợp các loại dược liệu bản địa. Loại men này không chỉ chế biến rượu mà còn sản xuất ra nhiều sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cho con người. Với các mô hình này, mỗi tháng gia đình đã thu không dưới 15 triệu đồng; đồng thời còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động...

Hiện tại nguyên liệu trước mắt đang dồi dào đảm bảo tốt cho việc chế biến sản phẩm, nhất là rượu chữa bệnh Tà Rương Mão được thị trường tin dùng. Tuy nhiên điều anh Mão lo, để nâng tầm, đưa sản phẩm này ra thị trường lớn vẫn đang gặp rào cản vì điều kiện hạ tầng, phương tiện máy móc cũng như nguyên liệu chỉ dựa vào nguồn tự nhiên đến lúc sẽ cạn. Đây là một bài toán đối với cơ sở sản xuất của người dân Cơ Tu mới khởi nghiệp, vốn và kiến thức kinh doanh còn hạn chế...

Rất vui qua nhiều kênh thông tin, mới đây anh Mão được chương trình gọi vốn đầu tư dành cho doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp (Huế Piching)-Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh tiếp cận vào tháng 7/2021. Qua báo cáo thuyết minh mô hình của gia đình, anh Mão được nhà đầu tư Hoàng Trọng Vân Kiều “chấm” đồng ý hỗ trợ 300 triệu đồng để đồng hành mở rộng quy mô và đa dạng sản phẩm, tạo cơ hội vươn ra thị trường lớn.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, Giám đốc Trung tâm KNĐMST tỉnh cho biết, mặc dù cơ sở sản xuất rượu Tà Rương Mão mới thành lập nhưng tính khả thi rất cao, chất lượng sản phẩm đều đạt chuẩn. Những khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đầu ra sản phẩm sắp đến sẽ được nhà đầu tư Hoàng Trọng Vân Kiều hỗ trợ định hướng mở rộng quy mô, tiếp tục nâng tiêu chuẩn sản phẩm hiện có và sản xuất thêm các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Hy vọng mô hình khởi nghiệp của anh Mão sẽ lan tỏa, nhân rộng ở vùng cao huyện Nam Đông với nhiều lợi thế về cây dược liệu.

CTV