Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

4839
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 08:45 11/05/2018
Triển vọng cho phát triển du lịch làng nghề tại Huế
Để giữ chân du khách ở lại với Huế lâu hơn, ngoài những điểm du lịch quen thuộc gắn với tên tuổi của vùng đất Cố đô, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang cố gắng triển khai thêm nhiều sản phẩm du lịch để du khách có nhiều lựa chọn khi đến với Huế. Trong đó phát triển du làng nghề truyền thống đang là hướng đi đầy triển vọng đối với một địa phương có bề dày về văn hóa, lịch sử và nhiều ngành nghề đa dạng.

Hướng đi triển vọng

Sau khi được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng "Điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam" vào năm 2015, làng hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế càng được biết đến nhiều hơn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm.

Nghệ nhân Thân Văn Huy (Phú Mậu, huyện Phú Vang) cho biết, hàng tuần, ông đón hàng trăm khách quốc tế, trong nước và các đoàn học sinh của các trường đến tham quan và tìm hiểu về nghề làm hoa giấy. Hiện tại, lúc đông nhất, làng hoa giấy Thanh Tiên có tới 30 hộ làm hoa, du khách đến đây đều ngưỡng mộ trước sự tài hoa, khéo léo và nghệ thuật làm hoa sen giấy của làng hoa Thanh Tiên. Đối với du khách, ngoài tìm hiểu về làng nghề, cảnh quan thiên nhiên, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng nghề lại gắn với một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm nghề làm hoa giấy Thanh Tiên tại nhà  họa sĩ Thân Văn Huy

Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 92 làng nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời như đúc đồng Phường Đúc, nón lá Phủ Cam, mây tre đan Bao La, cẩn khảm xà cừ Địa Linh, điêu khắc Mỹ Xuyên, kim hoàn Kế Môn, gốm Phước Tích, tranh giấy Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng (thổ cẩm) A Lưới... đây là kho tàng tri thức nghề và di sản văn hóa phong phú cho tỉnh phát triển du lịch làng nghề.

Du lịch làng nghề được đánh giá là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao bởi lẽ làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa.

Thời gian qua, du lịch làng nghề tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng ngành du lịch tỉnh nhà. Trong đó, một số làng nghề đã khai thác được tiềm năng, định vị được thương hiệu, như  gốm Phước Tích, tranh giấy Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng (thổ cẩm) A Lưới.

 Nâng cao hiệu quả khai thác

Gần đây, nhờ có những Festival làng nghề, các sản phẩm làng nghề truyền thống của Huế đang dần dần được tái tạo lại và bước đầu thu hút được một lượng khách “tiềm năng” đến Huế.

Tại các hội thảo về phát triển du lịch được tổ chức tại Huế gần đây, nhiều chuyên gia và những người làm du lịch đều cho rằng phát triển du lịch làng nghề truyền thống là một hướng đi thích hợp cho sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, du lịch làng nghề vẫn chưa phát huy hết tiềm năng mà Huế đang sở hữu. Hiện hầu hết làng nghề còn tự phát, manh mún nên chưa khai thác thành công những giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội của làng nghề để gắn với phát triển du lịch.

Để phát du lịch làng nghề thực sự là là thế mạnh và thu hút khách di lịch mối khi đến Huế, các chuyên gia cho rằng, khi phát triển du lịch làng nghề tại Huế phải quan tâm đến giá trị cả về kinh tế và văn hóa. Trước hết, cần giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo cơ hội cho làng nghề tiếp cận thông tin, công nghệ; nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; liên kết tổ chức hài hòa du lịch chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp; tôn vinh nghệ nhân làng nghề. Xác định làng nghề nào xứng đáng để đưa vào tuyến du lịch, tránh áp dụng tràn lan gây nhàm chán cho du khách.

Một số ý kiến khác cho rằng mỗi làng nghề ở Huế đều có một thế mạnh, nhưng quan trọng nhất là phải tập trung đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khi tham gia mạng lưới du lịch để đáp ứng đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao của du khách từ mọi vùng miền, và trên thế giới. Đặc biệt, sản phẩm chủ lực vẫn là mặt hàng lưu niệm, vì vậy cần không ngừng cải tiến, vừa độc đáo lại không mất đi nét văn hóa đặc trưng. Ngoài ra, cần sự đa dạng hóa dịch vụ tại chỗ, như ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến.


Sản phẩm nghề truyền thống làng Bao La tham gia Festival nghề truyền thống

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong kế hoạch khôi phục, phát triển nghề và làng nghề truyền thống, Thừa Thiên Huế xác định phải gắn với phát triển du lịch. Hiện nay một số làng nghề đã được Tỉnh lựa chọn để tiến hành quy hoạch không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi nghề, mà còn biết trình diễn và tham gia các hoạt động quảng bá du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, phát triển du lịch các làng nghề không chỉ bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống mà còn giải quyết được công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường hội nhập của làng nghề.

 VPĐP NTM tỉnh (TH)