Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1119
+ aa -

Chính sách nông thôn mới

Cập nhật lúc : 16:12 21/08/2019
Thừa Thiên Huế -Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với chủ đề “Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và một số Sở, ngành liên quan đã chủ trì

Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo và phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của địa phương. Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và cân đối bố trí nguồn lực thực hiện hàng năm. Đồng thời tạo cơ chế cũng như vận động các doanh nghiệp vào hợp tác với người dân để sản xuất nông sản hàng hóa. Nhờ vậy, đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; đã hình thành một số mô hình chuyên canh, có năng suất và chất lượng cao; đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích trên 4 nghìn ha, đang phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao... Kết quả đạt được trong xây dựng NTM làm đổi thay diện mạo các vùng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì công tác xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và cả cộng đồng người dân. UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại hôm nay, với chủ đề "Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" là nhằm trao đổi một cách toàn diện về những khó khăn, vướng mắc cũng như tiếp nhận các ý kiến đề xuất của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để đưa lĩnh vực nông nghiệp và bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày một phát triển bền vững.

Tại buổi đối thoại, rất nhiều câu hỏi của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được gửi đến liên quan với nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhiều ý kiến cũng trăn trở là làm sao phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao giá trị trong sản xuất; đặc biệt là các chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và chính sách ưu đãi về vốn, hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng như những đề xuất về các giải pháp duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Qua 2 giờ đối thoại, đã có rất nhiều câu hỏi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp gửi đến chương trình và đã được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan tập trung trả lời, giải đáp một cách chu đáo đầy trách nhiệm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kết thúc buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa, sớm khắc phục những bất cập, những tồn tại. Đồng thời, Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo khai thác những tiềm năng, thế mạnh, của địa phương để phát triển nông nghiệp; đặc biệt là phát triển những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển nông thôn theo yêu cầu mới; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, tâm linh tại vùng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; đảm bảo các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Văn phòng Điều phối  NTM TTH