Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

862
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 08:03 05/09/2019
Quy hoạch nghĩa trang - Trở lực trong xây dựng nông thôn mới
Quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa là một phần trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương. Song, thực tế nhiều năm qua, đây là trở lực trong việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo quy định.

Từ khi Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, theo đó ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó, tiêu chí 17 có nội dung về quy hoạch, xây dựng nghĩa trang nhân dân phải đạt chuẩn theo quy định. Từ đây, các địa phương nhận diện được khó khăn quá trình triển khai.

Bởi yếu tố lịch sử mà các nghĩa địa mọc lên tự phát ở hầu hết các vùng nông thôn. Theo đó, vấn đề quản lý các khu nghĩa địa ở các chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn bởi liên quan đến yếu tố tâm linh, người dân mạnh ai nấy làm.

Nhiều lãnh đạo địa phương thẳng thắn nhìn nhận, nếu áp vào chỉ tiêu khu nghĩa trang phải có khu hung táng, cát táng... thì hầu như không có xã nào trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn.

“Ở địa phương, nhiều khu nghĩa địa nằm rải rác. Việc vận động di dời đến khu tập trung dường như quá khó bởi nặng yếu tố tâm linh. Chúng tôi chỉ có thể quy hoạch khu nghĩa địa tập trung đang có và vận động người dân khi có người thân mất thì an táng tại đó. Riêng vấn đề quy về một mối là không thể”, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TX.Hương Trà) Trần Viết Én chia sẻ.

Tại nhiều địa phương, không khó để nhận thấy nghĩa trang, nghĩa địa đang rơi vào tình trạng quá tải, chính quyền các xã phải đặt biển cấm an táng. Trong tiến trình xây dựng NTM, để đạt chuẩn, một số địa phương phải đầu tư khá nhiều kinh phí vào hạng mục này, điển hình như xã Phong An (huyện Phong Điền).

Lãnh đạo xã Phong An thông tin, để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, địa phương này đã đầu tư 1 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường dài 1km đến Nghĩa trang thôn Phò Ninh; nâng cấp đường vào Nghĩa trang thôn Đồng Lâm có chiều dài 0,5km với gần 500 triệu đồng; những tuyến đường vào những nghĩa trang còn lại đều được mở rộng thêm từ 3,5m lên 6,5m.

Không phủ nhận những nỗ lực từ chính quyền các xã trong việc quy hoạch khu nghĩa trang, nghĩa địa tập trung. Nhưng trao đổi với lãnh đạo các địa phương, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là kinh phí để xây dựng.

Xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM năm 2017 sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng. Riêng chỉ tiêu về nghĩa trang thì địa phương này cũng đã quy hoạch các khu chôn cất tập trung có quy mô. Song, ngoài những khu đất phù hợp được quy hoạch, những hạng mục xây dựng dường như không được đầu tư. Nhắc đến điều này, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công Nguyễn Đính thừa nhận: “Nghĩa trang, nghĩa địa liên quan đến yếu tố tâm linh nên quả thực rất nhạy cảm. Để đầu tư xây dựng một nghĩa trang nhân dân đạt chuẩn thì cần kinh phí khá lớn, nhưng ngân sách của địa phương không kham nổi. Hiện nay, mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn tình trạng người dân dành đất để xây dựng các nghĩa trang gia đình, dòng họ”.

Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, để cán đích xây dựng NTM, các địa phương phải hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch nghĩa trang phải đúng theo Nghị định 23/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang của tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu song song với xây dựng mới các nghĩa trang tập trung phục vụ nhu cầu mai táng, cải táng của Nhân dân ở các đô thị lớn (thành phố Huế và khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô) các điểm dân cư tập trung ở các vùng nông thôn đồng bằng và miền núi, tiến hành xây dựng, cải tạo, sắp xếp và chỉnh trang các vùng đất Nhân dân đã sử dụng vào mai táng, xây lăng mộ từng bước chuyển thành nghĩa trang chính thức.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cũng thừa nhận, nhiều địa phương trong quá trình xây dựng NTM cũng đang gắp khó khăn ở chỉ tiêu nghĩa trang bởi kinh phí lẫn yếu tố tâm linh.

Để hỗ trợ và giải quyết thực trạng này thì chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đã có giải pháp là tiếp tục mở rộng khu vực nghĩa trang nhà nước phía Bắc và phía Nam, đồng thời kêu gọi thêm các doanh nghiệp tư nhân đầu tư về lĩnh vực này tại tỉnh nhà. Đáp lại lời kêu gọi đó thì trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án công viên nghĩa trang sinh thái đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị đi vào khai thác dự kiến trong năm 2020 đều do các đơn vị tư nhân làm chủ.

CTV