Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1437
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 10:10 28/09/2017
A Lưới với đề án thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020
UBND huyện A Lưới vưa ban hành đề án thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tăng thêm 05 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Phú Vinh, A Ngo, Nhâm, Hương Lâm và Hồng Bắc), các xã còn lại bình quân đạt từ 01 đến 02 tiêu chí/xã với các đặc trưng: Kinh tế phát triển, cơ sở vật chất hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hình thức sản xuất phù hợp, từng bước hiện đại hoá nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo định hướng sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp sạch, phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng lao động Tiểu thủ công nghiệp, Du lịch, Dịch vụ, Thương mại, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất để đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm đối với các xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu nói trên, đề án đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

 1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của UBND các cấp, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn

Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.

 Cấp ủy được phân công thường xuyên xuống địa bàn phụ trách để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về tiến độ và những chậm trễ trong việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới ở địa bàn phụ trách.

 Thành viên Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện, các phòng, ban được phân công phụ trách tiêu chí nông thôn mới có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các địa phương thực hiện tốt Chương trình nhằm đảm bảo đạt tiến độ theo mục tiêu đề ra; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện - Trưởng BCĐ Chương trình nông thôn mới huyện về kết quả, tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã, tiêu chí được phân công phụ trách.

2. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở và cộng đồng dân cư:

 Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khơi dậy tinh thần tự giác, tính chủ động tham gia của người dân, sự quan tâm của xã hội; thường xuyên cập nhật, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm.

 Tiếp tục phát động phong trào thi đua “A Lưới chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tổ chức ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả giao ước thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.

 3. Tập trung điều chỉnh Quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn: Khẩn trương rà soát và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng địa phương; chú trọng công tác lập quy hoạch trung tâm xã, quy hoạch sản xuất và chỉnh trang các khu dân cư; công bố, cắm mốc, quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch... Nội dung Quy hoạch phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi; nội dung, kế hoạch thực hiện phải sát thực tế, khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của xã, huyện và phù hợp với mục tiêu chương trình.

 4. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ chỉ đạo thực hiện Chương trình: Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn; nâng cao kiến thức, năng lực quản lý điều hành và thực thi của cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả chương trình; tổ chức tham quan mô hình nông thôn mới tại một số địa phương...

 5. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị:

Tập trung đầu tư xây dựng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Đẩy mạnh quy hoạch và thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại dân cư nông thôn (nhất là khu vực biên giới) gắn với việc quy hoạch xây dựng các làng du lịch cộng đồng, các cụm công nghiệp, dịch vụ.

 Tiếp tục thực hiện phương châm "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ" sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cấp thiết để đầu tư, như: các công trình đường vào khu sản xuất, đường nội đồng, kênh mương, trường học, nhà văn hóa,...; khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tiến tới xoá nhà tạm, nhà dột nát ở nông thôn.

 6. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn:

 Tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thành lập và củng cố, đổi mới hoạt động của các Hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 Tổ chức thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, phát huy hiệu quả trên một đơn vị diện tích; tập trung các nhiệm vụ chủ yếu, như: Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế phù hợp, triển khai có hiệu quả các lĩnh vực cây trồng vật nuôi có lợi thế như: phát triển có hiệu quả Đề án phát triển đàn bò, dê; tập trung thâm canh cây lúa, cây ngô, sắn, trồng rừng kinh tế, cây chuối hàng hóa, trồng rau và trồng hoa,...

 Ưu tiên phát triển giao thông vào khu sản xuất, đường nội đồng, công trình thủy lợi,... để thúc đảy phát triển nông nghiệp, tận dụng tối đa đất vườn, đất ven chân đồi trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, phát triển nuôi cá nước ngọt với diện tích hồ đã có và thực hiện nuôi cá lồng tại các lòng hồ thủy điện. Tranh thủ và phối hợp tốt với các Sở, ban ngành cấp tỉnh tập trung thực hiện giúp các xã nghèo trên 25%.

Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường. Xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực như: Sắn, chuối, mủ cao su, gạo Ra dư, thịt bò, hoa tulip...  Tập trung đào tạo lao động giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại hóa nông thôn, phát triển kinh tế tập thể.

 7. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo và an sinh xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái:

 Tiếp tục củng cố tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở, hoàn thiện và nâng cao các dịch vụ y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh cho nông dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn.

 Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển quỹ khuyến học ở nông thôn; vận động học sinh trong độ tuổi được đến lớp, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó trọng tâm xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, tiếp cận pháp luật. Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, bài trừ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Tiếp tục phát động và thực hiện các phong trào thi đua trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa…. Xây dựng mô hình thôn đạt chuẩn văn hóa theo hướng giữ gìn và phát huy nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

 Tập trung đầu tư xây dựng Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi. Tổ chức tốt việc thu gom xử lý rác thải, nước sinh hoạt và chăn nuôi, quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên đất, nước. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về vấn đề xử lý nước thải, rác thải. Nghĩa trang tại các xã được xây dựng đúng theo quy hoạch và bảo đảm vệ sinh môi trường. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.

 Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vùng nông thôn làm các công trình vệ sinh môi trường nông thôn như: làm nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở, chăn nuôi gắn với xây dựng hầm Bioga...

 8. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh

 Tập trung kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; đẩy mạnh quy hoạch, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn; quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh”.

Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở: Chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, thực hiện tốt Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.

 Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc ở nông thôn; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông và đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 9. Thực hiện đa dạng hóa huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện việc đầu tư xây dựng nông thôn mới

 Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, trọng tâm là huy động mạnh nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện việc đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện lồng ghép sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ các nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; chương trình xây dựng Nông thôn mới; huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai.

 Chú trọng huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; thực hiện có hiệu quả chính sách doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Huy động hỗ trợ đầu tư từ các doanh nghiệp cư trú trên địa bàn xã.

 Tập trung lãnh đạo cân đối ngân sách đảm bảo mức hỗ trợ theo Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế nguyên tắc chỉ tiêu, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Tăng cường huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Có chính sách khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình trong quá triển khai xây dựng Nông thôn mới.