Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

5978
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 14:20 02/11/2017
Hương Phong: Xã hội hóa điện chiếu sáng trong xây dựng nông thôn mới
Hệ thống điện đường chiếu sáng tại thôn Tiến Thành
5/6 thôn cơ bản hoàn thành lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng, trung bình 30m có một bóng tại các đường phụ... là thành quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hương Phong (TX Hương Trà)

“Ý Đảng gặp lòng dân”, nhưng khi bắt tay vào thực hiện gặp khá nhiều khó khăn. Đa phần vì chưa hiểu rõ chủ trương của chính quyền cũng như điều kiện kinh tế không mấy khá giả dẫn đến tâm lý ngại đóng góp. Ban quản lý thôn phối hợp với các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng chung tay tham gia; đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ của các người con quê hương đi làm ăn xa. Khi đã “thông” chủ trương, rõ lợi ích, người dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ được 32 triệu đồng, có trường hợp anh Lê Giảng hiện đang công tác tại Long An tặng cho thôn 14 triệu đồng.

Để duy trì điện thắp sáng, các xóm chủ động đóng góp, tự quản lý và chi trả tiền điện. Nhờ công khai minh bạch từ việc đóng góp xây dựng đến quản lý vận hành nên người dân phấn khởi và tin tưởng. Tại ngày hội đại đoàn kết dân tộc hàng năm ở địa phương, nhiều hộ dân còn tự nguyện ủng hộ kinh phí duy trì hệ thống điện chiếu sáng.

Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Phó Chủ tịch  UBND xã Hương Phong cho biết, trước đây tình hình ANTT trên địa bàn xã có nhiều diễn biến phức tạp, nạn trộm cắp, nhất là trộm chó diễn ra thường xuyên, gây bức xúc cho người dân. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, với chủ trương xã hội hóa, năm 2015 đảng ủy xã có nghị quyết triển khai lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên toàn địa bàn.

Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy xã, chi bộ từng thôn định hướng cho ban quản lý thôn phối hợp với các đoàn thể lấy ý kiến của người dân và chỉ thực hiện khi nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của người dân. Tùy điều kiện từng thôn mà kinh phí, cách đóng góp khách nhau. Một số thôn nhận được sự tài trợ của các mạnh thường quân địa phương đi làm ăn xa như thôn Vân Quật Thượng, thôn Thanh Phước; hay người  dân cùng chung tay đóng góp như thôn Vân Quật Đông. Trung bình mỗi thôn quyên góp được từ 30 – 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng.

Kinh phí duy trì hệ thống điện cũng do người dân đóng góp, với nhiều hình thức như chia theo đầu người, trung bình khoảng 5 – 10 nghìn đồng/ tháng hoặc luân phiên các hộ dân chi trả. Ban quản lý từng thôn cũng đã thành lập đội tự sửa chữa, bảo dưỡng dựa trên tinh thần tự nguyện.

Tính đến nay, trên địa bàn xã có 5/6 thôn cơ bản hoàn thành lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng, riêng thôn Vân Quật Đông đang trong quá trình triển khai. Tổng số bóng điện được lắp đặt lên đến 298 bóng, cứ trung bình 30m lại có một bóng tại các đường phụ.

Chị Lê Thị Mỹ, người dân thôn Tiến Thành hồ hởi: Hệ thống điện chiếu sáng tại các ngõ xóm là thành quả chung sức của cả người dân lẫn chính quyền, nhờ đó tình hình ANTT trên địa bàn ngày càng ổn định hơn. Lúc trước nhiều con đường vắng thường là nơi tụ tập của các thành phần "bất hảo" nên bà con không dám đi ngang qua lúc tối trời, từ khi có hệ thống điện đường tình trạng này hầu như đã không còn.

“Chủ trương xã hội hóa hệ thống điện chiếu sáng tại địa phương nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Bà con nơi đây rất phấn khởi khi có điện đường, vừa thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại vừa giúp ổn định tình hình ANTT địa phương”- Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Hiệp đúc kết.

VPĐP Hương Trà