Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

3014
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 15:45 10/05/2016
Kỳ tích của một xã 100% người dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế
Đường liên xã được xây dựng ở Hương Sơn
Hương Sơn, xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Nam Đông đã từng để lại dấu ấn đáng ghi nhận khi xin ra khỏi chương trình 135 vào năm 2004, thì nay còn lập kỳ tích là xã đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chuẩn nông thôn mới.

Là một trong 6 xã đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Nam Đông với 100% hộ dân là người dân tộc thiểu số Cơ tu sinh sống, Hương Sơn có 331 hộ với 1.427 nhân khẩu. Qua hơn 4 năm thực hiện (2011-2015) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2015 xã Hương Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa huyện Nam Đông trở thành huyện miền núi có 50% số xã đtạ chuẩn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hương Sơn là căn cứ địa cách mạng, gắn liền với các địa danh Khe 38, Khe 39, Đường 74, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Sau giải phóng, người dân xã Hương Sơn bắt đầu công cuộc kiến thiết quê hương, tái định canh định cư chỉ với 8-10 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu đến khai hoang, lập nghiệp, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Người dân phải mất nhiều thời gian công sức khai hoang, phục hóa để phát triển kinh tế, xã hội. Trong khi đó, trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất lạc hậu người dân chỉ biết dựa vào rừng, phương thức canh tác "phát, cốt, đốt, trỉa". Trải qua năm tháng, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xã miền núi đặc biệt khó khăn đã tạo tiền đề cho Hương Sơn chuyển mình. Đất lành chim đậu, Hương Sơn hiện đã thu hút 335 hộ với gần 1.500 nhân khẩu đến an cư, lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất này.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, bước đầu Hương Sơn cũng gặp phải không ít khó khăn. Nhất là các tiêu chí về dân sinh như nâng cao mức thu nhập người dân bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xoá nhà tạm,...

Agribank Thừa Thiên Huế trao tặng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở Hương Sơn

 

Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Hồ Thị Thời cho biết: Xác định được tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã đã vào cuộc một cách quyết liệt, vận động nhân dân tham gia. Với phương châm việc dễ làm trước, việc khó làm sau, xã Hương Sơn đã huy động hàng chục tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hương Sơn chú trọng tuyên truyền vận động người dân tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. UBND xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể bằng cách cử cán bộ tới từng hộ nghèo tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá khả năng thoát nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng. Nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hương Sơn là việc chủ động hoàn thành các tiêu chí hộ gia đình như xóa nhà tạm, giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Bà con dân tộc Cơ Tu ở Hương Sơn nhận thức chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nên hết sức đồng tình, hưởng ứng. Từ sự vận động, gương mẫu của các già làng, trưởng bản, người dân đã tự nguyện hiến đất, hiến cây, tự tay giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức để mở đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

Để phát triển bền vững, toàn diện, xã Hương Sơn bắt đầu bằng việc phát huy truyền thống cần cù trong lao động, thế mạnh của một địa phương miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển cây công nghiệp. Từ những người trồng cao su đầu tiên thành công, người Cơ Tu ở Hương Sơn bắt đầu học nhau cách trồng cây cao su. Hiện toàn xã Hương Sơn đã trồng được 359 ha cao su, trong đó diện tích khai thác khoảng 100 ha, thu nhập từ 4-5 tỷ đồng/năm. Giờ đây ở Hương Sơn, hầu như nhà nào cũng trồng cây cao su, nhà ít thì một vài ha, nhà nhiều lên tới 5,6 ha. Nhiều hộ trồng cao su cho thu nhập cao, cá biệt có hộ thu từ 20 đến 30 triệu đồng/năm.

 Ngoài ra, xã còn tập trung đầu tư, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, cây ăn quả. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn, cải tạo chuồng trại, vườn tạp để chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, ngoài cao su, nông dân toàn xã còn trồng được khoảng 1.000 ha rừng keo. Nhiều gia đình xây dựng mô hình như kinh tế vườn với các cây trồng như dứa, chuối, khai thác sản phẩm phụ của rừng (mây, lá nón)... có tính bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân ở Hương Sơn bây giờ đã biết tự lực trong lao động sản xuất, đời sống ngày càng được nâng lên.

Ngoài tuyên truyền, vận động người dân tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại Đảng ủy, chính quyền Hương Sơn tăng cường cán bộ tới từng hộ nghèo tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá khả năng thoát nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng. Nhận thức chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương tốt của Đảng người dân hết sức đồng tình, hưởng ứng. Từ sự vận động, gương mẫu của các già làng, trưởng bản, bà con Cơ Tu đã tự nguyện hiến đất, hiến cây, tự tay giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức để mở đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Đi kèm với phát triển cơ sở hạ tầng, là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để có thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/năm là nỗ lực lớn đối với Hương Sơn, một xã có đến 100% đồng bào dân tộc thiểu số  (năm 2009 là 7,5 triệu đồng). Theo lý giải của Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn Hồ Sỹ Đét: “Cây cao su tuy có khó khăn về giá, nhưng chủ trương của huyện cũng như xã là vận động bà con quyết tâm giữ lại diện tích cây cao su. Đối với những diện tích cây lâu năm, khó cho năng suất, chất lượng mủ cao, Đảng ủy, chính quyền xã khuyến khích bà con xen ghép với các loại cây trồng khác giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với trồng rừng, trồng keo, trồng cây cao su, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò, lợn đàn, cho thu nhập ổn định”.

Mô hình kinh tế gia trại là hướng đi được nhiều người dân Cơ Tu lựa chọn. Ông Trần Xuân Hưng, thôn Ka Zăng là người chăn nuôi bò nhiều nhất xã. Có thời điểm, đàn bò của ông lên đến 70 con, cho thu nhập vài chục, vài trăm triệu đồng/năm. Bà Hồ Thị Hén, bà Ta Rương Mây, thôn Ba Dược chăn nuôi lợn, bò, trâu sinh sản... và còn nhiều hộ Cơ Tu khác nữa làm ăn khấm khá. “Bà con Cơ Tu chúng tôi tự nguyện làm đơn xin rút khỏi Chương trình 135, để nhường suất hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho đồng bào trên cả nước. Nay, không cớ gì bà con chúng tôi không nỗ lực để vượt qua khó khăn, chăm chỉ làm ăn, vươn lên trong cuộc sống”, ông Trần Xuân Hưng nói đầy quyết tâm.

Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Hồ Thanh Nghi cho biết: “Keo, sắn, cao su là 3 loại cây trồng “chủ lực” đã thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng. Chuối, dứa, đậu tuy là những cây trồng phụ, nhưng không chỉ cứu đói cho bà con những lúc khó khăn, mà còn góp phần không nhỏ trong việc thu hẹp dần tỷ lệ đói nghèo của xã. Nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,8%, giảm 10,5% so với năm 2011. Nhiều bà con dân tộc Cơ Tu tự đầu tư nâng cấp, làm mới 132 ngôi nhà, xây dựng 240 hố xí hợp vệ sinh; đóng góp hàng trăm ngày công và hiến 1,4ha đất xây dựng nông thôn mới”.

Đến nay, ngoài tiêu chí thu nhập bình quân đầu người ở xã miền núi Hương Sơn là 20triệu đồng/người/năm (vượt mức đạt tiêu chí Thu nhập 2 triệu đồng), xã đã xây mới, nâng cấp và sửa chữa 88 căn nhà; 100% số hộ dân của xã được dùng điện lưới quốc gia; tỷ lệ dùng nước hợp vệ sinh đạt 98,2%, trở thành xã dẫn đầu của huyện về tỷ lệ sử dụng nước sạch. Bộ mặt xã Hương Sơn hôm nay đã có nhiều đổi thay tích cực; tỷ lệ hộ nghèhiệchỉ còn dưới 5%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 1,5%; trạm y tế có bác sĩ, đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ và học sinh đến lớp đạt 100%…/.

 

Phòng Nông nghiệp và PTNT Nam Đông