Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

99
+ aa -

Kinh nghiệm NTM ở các tỉnh

Cập nhật lúc : 14:36 06/10/2022
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh nổi bật trong về thành tích thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp đến nay, Hà Tĩnh có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 177/182 xã đạt chuẩn NTM; 50 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu. Thực tiễn triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh đã đúc rút một số bài học kinh nghiệm cần tham khảo.

Hà Tĩnh bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những thuận lợi cơ bản như: Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Kế thừa những kết quả và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới có được từ những giai đoạn trước (Từ năm 2001, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU “Về tiếp tục lãnh đạo chương trình xóa đói, giảm nghèo giải quyết việc làm và tập trung xây dựng nông thôn mới”), mô hình thí điểm của Ban Bí thư Trung ương tại xã Gia Phố (huyện Hương Khê) và lại được Trung ương chọn là một trong 5 tỉnh điểm chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời cũng gặp rất nhiều khó khăn, như: điểm xuất phát thấp, số tiêu chí bình quân mới đạt 4,1 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có đến 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi diển biến khó lường; các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng nông thôn chịu nhiều tác động tiêu cực; môi trường ngày càng bị ô nhiễm; an ninh nông thôn còn nhiều tiềm ẩn; nguồn lực trong dân còn yếu; lao động nông thôn ngày càng “già hóa, nữ hóa”…

Hà Tĩnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, phải trở thành cuộc vận động lớn, nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với những cách làm chủ động, sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của người dân, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đến nay, toàn tỉnh có 177/182 xã (97,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (27,5%), 07 xã nông thôn mới kiểu mẫu (0,04%), 914/1640 (55,7%) thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 09/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính trị toàn tỉnh đang phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện còn lại sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.

Xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu là cách làm hay, sáng tạo của tỉnh. Xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu là điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện được vai trò chủ thể của mình, từ đó người dân luôn chủ động và phát huy cao tính sáng tạo của chính mình. Kinh tế phát triển nhất là kinh tế vườn hộ được được nâng lên một cách rõ rệt, nhiều vườn đã cho hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập. Công tác vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực, dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, bước đầu hình thành nét văn hóa cộng đồng nông thôn mới văn minh. Thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các nội dung trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu sẽ tạo nền tảng quan trọng để hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Những KDC kiểu mẫu thu hút hàng nghìn đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung triển khai. Đến nay đã có 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn doanh số bán hàng tăng khoảng 40% so với trước; thị trường tiêu thụ được mở rộng, nhiều sản phẩm trước đây chỉ bán trong làng, trong xã, nay được tiêu thụ qua các hệ thống lớn như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước và các sàn thương mại điện tử.

Với những kết quả đạt được, tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh, xin trao đổi một số kinh nghiệm như sau:

 Thứ nhât, quán triệt, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ cơ sở (cán bộ xã, cán bộ thôn xóm), tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện; lựa chọn các nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng, kiên trì tổ chức thực hiện; xây dựng mô hình hiệu quả, thuyết phục để nhân rộng; phải luôn biết "giữ lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, thường xuyên, kiên trì và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc với phương châm: “Khơi dậy nội lực của dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, "Nâng đầu đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ, phát triển", "Dừng lại là rớt chuẩn", luôn quán triệt phương châm "Nông thôn mới có điểm khởi đầu, làm liên tục không ngừng nghỉ". Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

 Thứ ba, đề ra cơ chế, chính sách phù hợp; sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa. Ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt, thưởng theo kết quả đầu ra. Phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng. Huy động hiệu quả sự hỗ trợ của con em xa quê, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới.

Chỉ đạo việc đỡ đầu xây dựng nông thôn mới linh hoạt, quyết liệt; trước đây phân công các sở, ngành đỡ đầu các huyện, các xã, nay phân công các sở, ngành đỡ đầu đến các thôn.

Thứ tư, phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin của người dân, cộng đồng và toàn xã hội.

Thứ năm, chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Định kỳ soát xét, đánh giá mức độ đạt chuẩn của các xã. Chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, lệch lạc; những địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu để "rớt" chuẩn thì kiên quyết thu hồi bằng công nhận. Tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, khen thưởng, vinh danh kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, tạo phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng khắp.

Về phát triển nông nghiệp: Hà Tĩnh có 3 vùng sinh thái: Khu vực miền núi diện tích gần 500 nghìn ha, vùng ven biển gần 45 nghìn ha, vùng đồng bằng hơn 56 nghìn ha, 137 km đường bờ biển, với 4 cửa lạch đổ ra biển: cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu, tổng diện tích các vùng biển hơn 18 nghìn km2… Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để Hà Tĩnh phát triển cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển trồng lúa và các loại hoa màu khác, đưa ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả.

Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,45%/năm (cả nước 3%/năm), năm 2021 đạt trên 3,78%. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2021 đạt trên 24.850 tỷ đồng. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp từ 34,5% (năm 2010) lên 53% (năm 2021). Tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế phát triển, giá trị gia tăng cao (như cam, bưởi Phúc Trạch, rau củ quả thực phẩm, chè xuất khẩu, chăn nuôi lợn, bò, hươu, nuôi tôm) từ 30,4% lên 46%; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 59% xuống còn dưới 41%.

Phong trào hiến đất mở đường, “ngày thứ 7, chủ nhật về xây dựng NTM” ở Hà Tĩnh

Các hoạt động xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả tích cực, chú trọng tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; một số sản phẩm như bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh đã phân phối, tiêu thụ qua các hệ thống lớn như siêu thị BigC, Vinmart, Co.op mart và chuỗi của hàng thực phẩm sạch trong cả nước; nhiều gian hàng bưởi, cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam như: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn và sàn Thương mại điện tử của tỉnh hatiplaza.com.

Văn phòng điều phối NTM tỉnh (TH)