Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1573
+ aa -

Kinh nghiệm NTM ở các tỉnh

Cập nhật lúc : 21:04 27/12/2018
Nghệ An: Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới thôn bản
Với đặc thù của tỉnh Nghệ An nhiều bản làng và điều kiện phát triển kinh tế không đồng đều, xây dựng nông thôn mới từng thôn bản là chủ trương đúng đắn của Nghệ An được Trung ương đánh giá cao. Huyện miền núi Con Cuông trong năm 2017, 2018 đã nỗ lực chỉ đạo xây dựng được 6 thôn bản về đích NTM. Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thừa Thiên Huế xin trân trọng giới thiệu một số kinh nghiệm của Nghệ An trong xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản

Bản Liên Đình xã Chi Khê, Con Cuông, có 135 hộ thuần Thái, trong bản đường với tổng chiều dài 3,77 km đều đã được bê tông hoá nhờ chương trình xây dựng NTM, 100% diện tích lúa được tưới tiêu, 100% hộ có điện sinh hoạt, nhà văn hóa thôn là nhà sàn vững chắc nơi bà con tụ họp và sinh hoạt văn hoá, ngoài ra còn có sân bóng chuyền, bóng đá. Trưởng bản Liên Đình Lô Hồng Thái phấn khởi:  Trước vào bản đường lầy lội, phân trâu bò ít được thu dọn. Nay đường bê tông phủ khắp cả bản, bà con đi hội mặc bộ váy đẹp cũng không lo bẩn cái chân nữa. Bản vinh dự được cấp trên chọn xây dựng bản NTM năm nay nên ai cũng vui và tự hào. Tự hào bởi những nét đẹp của bản sẽ được giữ gìn, phát huy, ngày lễ tết khăn áo thổ cẩm sặc sỡ, tiếng cồng chiêng càng ngân vang…

Những nếp nhà sàn cổ được giữ gìn quy hoạch theo ô bàn cờ cứ 6 nhà một ô với nhiều ngã tư, ngã ba trong bản tạo nên nét riêng hiếm có ở miền núi. Tại ngã ba, ngã tư một số quán hàng mọc lên phục vụ đời sống bà con dân bản nào gạo, phân bón, bút sách, bóng đèn, phích nước….  Thỉnh thoảng một cái xe máy chạy qua trên xe chất đầy hàng hoá nhu yếu phẩm cho bà con, xe tải chở keo, mét của bản đi tiêu thụ. Nhịp sống đó bao năm quen thuộc nhưng nay xung quanh bản những khóm hoa, đường hoa đã mọc lên tươi thắm, vệ sinh môi trường sạch đẹp hơn, chuồng gia súc đã được cách ly xa nhà ở, nhà vệ sinh của từng hộ cũng vậy, nếp ăn ở sinh hoạt của bà con đồng bào đã văn minh sạch sẽ hơn. Những gia đình khó khăn được cả bản chung tay giúp đỡ thoát nghèo, hỗ trợ xử lý môi trường. Đặc biệt bản chỉ còn 3 hộ nghèo.

Bản từ năm 1999 đã đạt bản văn hoá và giữ vững cho đến nay, có một câu lạc bộ dân ca Thái đi tham dự giải khắp huyện. Ở bản Liên Đình này, thu nhập của bà con dựa vào rừng, ai cũng có  vài ha keo, mét, đây là cây trồng hiệu quả nhất ở Con Cuông. Khi đăng ký về đích NTM cả bản thi đua làm sạch môi trường trong nhà, ngoài ngõ, làm cho ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa,  không còn nhà dột nát, tạm bợ. Là bản nhỏ nhưng Liên Đình có  nhiều xe tải,  trang trại, thu nhập bình quân trong bản đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt nhất là trong bản nhiều hộ xây dựng được bể nước sạch, dẫn nước tự chảy từ suối về đủ dùng quanh năm, không phải cõng nước như xưa. Mỗi gia đình hàng tháng trả cho ban điều phối nước 10 ngàn đồng là có nước dùng.

Thôn Tiến Thành, nơi có phong trào làm nông nghiệp sạch của huyện Con Cuông khi thôn cũng đã về đích NTM với đủ 15/15 tiêu chí. Những vườn cà pháo phủ ni lông, rau cải, bắp cải xanh mướt, khu nhà lưới mùa nào thức ấy nào cà chua, dưa lưới, rau cải … được huyện đầu tư gần 1 tỷ đồng là điểm sáng về ứng dụng KHCN cao của cả tỉnh. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền, các sản phẩm sạch được giới thiệu, quảng bá góp thêm sản phẩm của thị xã phố núi. Từ mô hình này, bà con trong thôn đã học hỏi ứng dụng phủ ni lông cho trồng rau, cà, hoa cho năng suất cao. Một số sản phẩm dược liệu như cao hà thủ ô, cà gai leo…. bán đi nhiều địa phương cũng từ đây. Bên cạnh Tiến Thành, thôn Quyết Tiến cũng đã về đích NTM của xã  và đây là hai thôn hiện cung ứng rau củ quả sạch cho huyện.

Bản Xiềng  và bản Thái Sơn 1 (Môn Sơn) vốn là những bản khó khăn của Con Cuông, tuy gần trung tâm xã nhưng khi đăng ký về đích NTM các bản này vẫn chưa đạt các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, nhà ở. Để xoá các tiêu chí này, cấp uỷ, chính quyền và mặt trận vào cuộc, huy động nguồn lực xã hội xoá nhà dột nát, tạm bợ cho các hộ. Tập tập trung nguồn lực đầu tư một số mô hình kinh tế như nuôi cá lồng, vịt đẻ trên sông, cấp trâu bò dê cho các hộ, kết hợp với các tổ chức tập huấn các lớp nấu ăn, dạy nghề phục vụ du lịch. UBND huyện đã hỗ trợ bản 37,4 tấn xi măng để sửa chữa, làm mới 130 m đường giao thông nông thôn, bản cũng làm được tổng cộng 703m2 sân nhà văn hóa cộng đồng; nhân dân đóng góp cát sỏi, ngày công hoàn thành các nhà văn hoá cộng đồng. Trong khi đó, ở bản Thái Sơn 1, huyện đã hỗ trợ bản 66 tấn xi măng để sửa chữa, làm mới 490 m đường giao thông nông thôn, nhân dân phấn khởi nô nức làm giao thông xây dựng đường bản khang trang  sạch đẹp.

Trưởng bản Xiềng Vi Văn Tư xã Môn Sơn cho biết: Bản có 175 hộ trong đó hiện có  88 hộ khá giàu. Bản có lợi thế nằm bên dòng sông Giăng, khu du lịch Phà Lài và nghề phục vụ du lịch. Được chọn xây dựng NTM, huyện, xã, bản đã vào cuộc tuyên truyền cho người dân về kỹ thuật thâm canh trong nông nghiệp, truyền dạy các lớp mây tre đan, thực hiện đúng quy định an toàn khi lái thuyền, xuồng. Bản hiện có 5 hộ phục vụ ăn uống du lịch cộng đồng, hái măng chế biến măng, nhiều hộ nuôi cá lồng như ông Vi Văn Đoàn, Hà Hồng Trị, Vi Văn Tuấn, Lương Văn Nghiêm, có 15 hộ chạy xuồng máy, có gần 10 người xuất khẩu lao động. Nhờ đa dạng ngành nghề, thu nhập bình quân của người dân trong bản đạt 28 – 30 triệu đồng/người/năm.  Anh Lê Văn Nam, du khách ở Vinh về đây cho biết: Tôi ấn tượng với phong cách làm du lịch nơi đây, có những bản Thái với những ngôi nhà sàn cổ, những món ăn độc đáo, người dân nồng hậu, mến khách.

Công tác vận động, tuyên truyền  cũng được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện và xã và Ban chỉ đạo NTM huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng và được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó giao cho Mặt trận tổ quốc chủ công. Tuyên tuyền cho nhân dân hiểu rõ mình là chủ thể trong xây dựng NTM, xây dựng NTM là vì gia đình mình, cuộc sống của mình. UBMTTQ huyện chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây, vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường, ăn ở sạch sẽ, làm đường giao thông nông thôn; chỉnh trang nhà ở, giữ gìn an ninh trật tự làng, xóm; xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo”; mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, phát động phong trào “Thanh niên chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Ví như thôn Bãi Gạo Châu Khê, đã huy động nội lực với 350 ngày công lao động dọn vệ sinh môi trường và làm mương thoát nước bằng bê tông trên 175m. Cả thôn phấn khởi làm mới cổng chào, sân khấu, sân bóng chuyền tại khuôn viên hội trường thôn. Đến nay qua đánh giá thôn đã đạt 15/15 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 8/99 hộ.

Hay như ở bản Xiềng, huyện, xã, bản tập trung xoá nghèo, chỉ trong 2 năm 2017, 2018 đã xoá được 21 hộ. Hỗ trợ 18 con bò cho 18 hộ, tập huấn KHKT, bên cạnh đó nhiều hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Để giữ vệ sinh, cả bản làm được 26 hố rác tại gia.

Với sự quan tâm thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, xây dựng các tổ tự quản dân cư hiệu quả, tuyên truyền tốt cho người dân vai trò làm chủ nông thôn mới, những kết quả bước đầu trong xây dựng NTM ở Con Cuông là bước đột phá, điểm  sáng ở các huyện vùng cao Nghệ An.

Xây dựng Nông thôn mới ở Con Cuông đang nhận được sự đồng thuận lớn của người dân, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, trong đó nỗ lực nâng cao thu nhập của người dân và bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá đồng bào dân tộc. Con Cuông phấn đấu thời gian tới thi đua xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững hơn nữa.

Văn phòng Điều phối  tỉnh (TH)