Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

2411
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 11:16 17/12/2014
Xây dựng nông thôn mới: Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững ở đầm phá
Phát triển nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, ổn định và bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế ở mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần hoàn thành 2 tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đầm phá Thừa Thiên Huế

Vùng đầm phá Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để phát triển NTTS nhằm bảo đảm sinh kế ổn định và nâng cao đời sống cho cư dân vùng nông thôn. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, lĩnh vực NTTS của tỉnh  đã qua nhiều giai đoạn thăng trầm, với phong trào nuôi tôm sú ồ ạt của những năm 1990 ở vùng đầm phá đến giai đoạn thoái trào do bùng nổ dịch bệnh từ những năm 2002,…  Việc tìm ra một mô hình phát triển NTTS bền vững là vấn đề sống còn đối với sinh kế của người dân, từ đó góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Từ thực tiễn kết quả sản xuất của người dân, mô hình nuôi xen ghép các đối tượng tôm, cua kết hợp với các loài cá đặc hữu của địa phương như cá kình, cá dìa, cá nâu, hoặc cá đối mục, cá rô phí đơn tính và trồng rong câu,… trong gần 10 năm qua đã khẳng định được tính ổn định về hiệu quả kinh tế  và bảo vệ môi trường mà mô hình nuôi xen ghép mang lại trên vùng đầm phá.

 

Nhiều mô hình nuôi trồng xen ghép có hiệu quả khá cao, ổn định và thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện vùng đầm phá như: Nuôi xen ghép cá đối mục với tôm sú, cua, cá kình, cá dìa và trồng thêm rong câu v.v… đặc biệt gần đây mô hình nuôi xen ghép với đối tượng mới là cá đối mục ở vùng hạ triều ô nhiễm mới được triển khai thí điểm ở một số địa phương đã đem lại kết quả rất triển vọng.

Cá đối mục - đói tượng mới nuôi xen ghép có hiệu quả vùng đầm phá

 

Cá đối mục được xem là đối tượng phù hợp việc nuôi xen ghép vì đã nhân tạo thành công, trong khi một số loài cá dìa, nâu, kình... phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, không chủ động nguồn giống. Cá đối mục còn có khả năng làm sạch môi trường ao hồ, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, giảm chi phí đầu tư. Thức ăn chính của loài cá này là rong tảo tự nhiên ở đầm phá, phù du sinh vật  và mùn bã hữu cơ. Đây cũng là đối tượng có tốc độ sinh trưởng nhanh, trọng lượng cá trưởng thành lớn, khả năng thích nghi với môi trường rất tốt nên hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

 

Chỉ riêng năm 2014, nhiều hộ nuôi cá đối mục xen ghép tôm, cua... lãi từ 40-60 triệu đồng/ha, một số hộ lãi cao từ 120 triệu đến 150 triệu đồng.

 

Các kết quả trên đã khẳng định sự đúng đắn định hướng quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến 2020 của vùng đầm phá Thừa Thiên Huế mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt, theo đó về cơ bản duy trì và ổn định khoảng 2.500 ha vùng hạ triều để nuôi xen ghép, khuyến khích phát triển hình thức nuôi sinh thái kết hợp phục vụ du lịch  trên vùng đầm phá.

 

Tuy nhiên để nâng cao hiệu qủa và bảo đảm tính ổn định trong NTTS, mô hình nuôi xen ghép các đối tượng cần được tiếp tục đầu tư kỹ thuật nhằm tăng mật độ nuôi, thử nghiệm các đối tượng nuôi mới, tăng thêm nuôi vào vụ Đông,… và người nông dân rất cần sự quan tâm đầu tư, tiếp tục hỗ trợ từ Tỉnh, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tiếp tục triển khai, nhân rộng  những mô hình sản xuất tốt phù hợp vùng đầm phá như mô hình NTTS xen ghép thân thiện với môi trường./.

Phan Thu  Hồng

       Chi cục NTTS