Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

391
+ aa -

Nhà nông cần biết

Cập nhật lúc : 11:05 26/12/2021
Thực trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân
Từ khi Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá X, ban hành năm 2008 đến nay, nhờ có chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân và dân cư nông thôn, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta đã có nhiều tiến bộ mạnh mẽ.

Về nông nghiệp (bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và diêm nghiệp)

- Đã duy trì tăng trưởng liên tục ở mức khá cao, bình quân 2,94%. Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hoá cạnh tranh quốc tế. Nhiều loại nông, lâm, thuỷ sản được xuất khẩu tới 196 nước và vùng lãnh thổ với quy mô ngày càng tăng, năm 2020 đạt tới 42,34 tỷ USD. Nhờ vậy, nông nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập ngày càng tăng cho hàng chục triệu lao động.

- Nông nghiệp đã cung cấp nguyên liệu để phát triển nhiều ngành công nghiệp chế biến, thủ công, mỹ nghệ. Nhiều cơ sở chế biến nông lâm thuỷ sản đã trở thành hạt nhân phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, như các cơ sở chế biến mía đường, sữa, rau quả...

- Việc nông nghiệp liên tục là ngành xuất siêu đã góp phần duy trì cán cân thanh toán của quốc gia.

- Nông nghiệp đã góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội trong các tình huống có nhiều khó khăn. Tăng trưởng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thường đóng góp phần lớn thu nhập tăng thêm giúp các hộ nông dân thoát nghèo.

- Ngành lâm nghiệp đã nỗ lực bảo vệ và phục hồi rừng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ che phủ rừng đã tăng từ 38,7% năm 2008 lên 42% năm 2020, góp phần quan trọng cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia.

- Ngành nông nghiệp đã liên tục nỗ lực điều chỉnh cơ cấu theo hướng phát huy lợi thế so sánh của quốc gia và mỗi địa phương, kết hợp nâng cao trình độ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Đối chiếu với nhiệm vụ do Nghị quyết 26 đề ra và định hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp nước ta còn có những tồn tại, yếu kém như sau:

- Tăng trưởng không ổn định, có xu hướng giảm dần. Tăng trưởng GDP nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 là 3,13%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 2,61% so với nhiệm vụ phải đạt 3,5-4%.

- Chất lượng một số loại nông sản còn thấp, giá trị thương mại thấp, hiệu quả sản xuất không cao. Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ 2-3 trên thế giới nhưng giá gạo bình quân chỉ bằng khoảng 70% giá bình quân của gạo Thái Lan. Tỷ lệ thực phẩm vi phạm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm còn cao.

- Nông nghiệp tập trung cao cho khâu sản xuất mà chưa phát huy cao các khâu khác trong chuỗi giá trị (chế biến, bảo quản, phân phối) nên giá trị gia tăng chưa cao. Tỷ lệ lớn nông sản hàng hoá còn xuất thô hoặc mới qua sơ chế. Kinh doanh nông sản nội địa còn thô sơ. Tổn thất sau thu hoạch còn cao, tuỳ mặt hàng, tới 10-20% sản lượng.

- Phát triển nông nghiệp dựa nhiều vào các yếu tố đầu vào, phần lớn nhập khẩu. Có tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng lãng phí nước, thức ăn chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai, thậm chí làm thay đổi môi trường sinh thái trên diện rộng; hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động thấp. Có tới gần 5 triệu ha đất nông nghiệp bị thoái hóa trung bình và nặng.

- Chưa phát huy cao các giá trị văn hoá dân tộc để nâng cao giá trị thương mại của nông sản, trừ một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP gần đây.

- Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thấp, dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Ngoại trừ nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, hầu như chưa thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trên diện rộng mặc dù nông nghiệp đóng góp tới gần 20% tổng lượng phát thải của cả nước năm 2020. Đa dạng sinh học bị suy giảm.

Về nông thôn

Nông thôn nước ta là nơi sinh sống của hơn 60% dân số cả nước. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông thôn và đã đạt nhiều thành tựu to lớn, nổi bật gần đây là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã thay đổi căn bản, khang trang, hiện đại hơn. Đời sống của bộ phận lớn dân cư được cải thiện rõ rệt. Cụ thể như sau:

- Đến năm 2020 cả nước có 5157/8267 xã (62,4%) đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí hiện hành;173 huyện, 4 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một số xã đã thực hiện theo bộ tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu.

- Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch mạnh. Cùng với nông nghiệp, sự phát triển của công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn. Năm 2016, cả nước có 15,99 hộ nông thôn, trong đó có 8,58 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7% giảm 14,1% so với năm 2006 và 8,5% so với năm 2011. Số hộ phi nông nghiệp đã tăng lên tương ứng.

- Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện nhanh. Hệ thống thủy lợi phát triển mạnh, khá đồng bộ. Tổng năng lực tưới đạt 4,062 triệu ha, tăng 320 nghìn ha so với năm 2008. Năng lực tiêu nước tăng thêm 255 nghìn ha. Hiệu suất phục vụ tưới tăng từ 71,5% lên 81,4%. Đã đầu tư nâng cấp 89 cảng cá, 71 khu neo đậu tầu thuyền tránh trú bão. Đã có trên 97% xã có đường giao thông đến huyện được cứng, nhựa hóa.

- Giáo dục, y tế, văn hóa ở các vùng nông thôn đều có bước phát triển. Đến năm 2020, có 49,1% trường mầm non, 68,8% trường Tiểu học, 61,5% trường Trung học cơ sở, 43,3% trường Trung học phổ thông có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Đã có100% xã duy trì phổ cập giáo dục mần non cho trẻ 5 tuổi, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ I, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Về y tế, năm 2020, 99,3% số xã có trạm y tế, trong đó 92,1% đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 87,5% có bác sỹ. Ngoài ra còn có 2838 cơ sở khám chữa bệnh khác.

- Môi trường nông thôn được quan tâm bảo vệ, thực hiện theo hướng xanh, sạch, đẹp. Năm 2019 đã tổ chức thu gom 62,8% chất thải rắn sinh hoạt, tổ chức thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 68% trang trại có áp dụng biện pháp xử lý chất thải; tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm trên các lưu vực sông lớn, như sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Vu Gia-Thu Bồn...

- An ninh trật tự ở nông thôn cơ bản được giữ vững.

Những tồn tại chính trong phát triển nông thôn là:

- Kinh tế ở nhiều vùng nông thôn phát triển chậm, mang tính tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho lao động nông thôn. Hằng năm có số lượng lớn lao động phải di cư tìm kiếm việc làm ở các đô thị, khu công nghiệp.

- Cơ sở hạ tầng nhiều nơi còn kém phát triển, chất lượng thấp. Đường về thôn bản còn thiếu. Chất lượng cung cấp điện ở nhiều vùng nông thôn thấp, kém ổn định.

- Chất lượng phục vụ y tế, giáo dục, văn hóa còn thấp so với đô thị;

- Môi trường nông thôn tiếp tục suy thoái, nhiều nơi rất nghiêm trọng, nhất là vùng ven đô thị, khu cụm công nghiệp, làng nghề. Khả năng đáp ứng yêu cầu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp.

Về nông dân

Trong giai đoạn 2008-2020, dân số nông thôn giảm ít, gần như ổn định, năm 2020 còn 61,6 triệu người. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 đã đem lại những thay đổi tích cực sau đây đối với nông dân:

- Thu nhập của dân cư nông thôn tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2010-2020 là 12,5%. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 3,48 triệu đồng/tháng. Trong cơ cấu thu nhập của dân cư nông thôn, thu nhập từ nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm giảm dần, còn 18,5%; thu từ tiền lương, tiền công - 49,4%; thu từ các hoạt động phi nông nghiệp - 20,9%; các nguồn thu khác - 11,2%. 

- Điều kiện sinh hoạt được cải thiện. Năm 2020, tỷ lệ hộ nông thôn có nhà ở kiên cố là 50,8%, tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền là 99,8%; hộ dùng điện sinh hoạt 99,5%; hộ có hố xí hợp vệ sinh 91,1%; có nguồn nước hợp vệ sinh 96,2%.

- Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 17,1% năm 2010 xuống còn 15,7% năm 2019.

- Cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ lệ làm việc ở khu vực phi nông nghiệp có năng suất lao động và thu nhập cao hơn.

Năm 2016 số lao động hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 51,4%, giảm 8,2% so với năm 2011; số lao động hoạt động chính trong các ngành nghề phi nông nghiệp, chiếm 45,8%, tăng 6,9%; 0,87 triệu người không hoạt động kinh tế, chiếm 2,8%, tăng 1,3%.

Thực tế ngay trong các hộ hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản thì tỷ lệ thời gian và nguồn lực dành cho hoạt động phi nông nghiệp cũng ngày càng tăng.

- Chất lượng, năng suất lao động được nâng cao; trang bị kỹ thuật tăng lên. Chỉ riêng Chương trình đào tạo nghề nông thôn đã đào tạo được gần 10 triệu lượt người. Máy móc trong nông nghiệp được sử dụng ngày càng nhiều hơn. Trong giai đọan 2011-2016 số máy kéo tăng 144,5%, máy gặt đập liên hợp tăng 169,5%, máy chế biến thức ăn chăn nuôi tăng 186,2%, máy bơm nước tăng 144%...Diện tích nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi theo kiểu công nghiệp cũng tăng nhanh. Năm 2016 có 102.421 tầu thuyền khai thác thủy sản biển.

Giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng bình quân 6,8%/năm.

- Đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện. Hầu hết dân cư nông thôn được xem TV. Nhiều địa phương đã khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống lành mạnh. Nhà văn hóa thôn, xã được xây dựng và phát huy tác dụng cho các sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ hài lòng với cuộc sống nông thôn tăng từ 50,4% năm 2012 lên 79,3% năm 2018[2]

- Tính tích cực xã hội được nâng cao; vai trò chủ thể được phát huy. Sự tham gia của nông dân vào các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp ngày càng tăng, vai trò làm chủ của nông dân được phát huy cao hơn. Năm 2020 Hội Nông dân Việt Nam có 11.188.789 hội viên, bằng 31% tổng số lao động nông thôn, 70% số hộ nông thôn. Nông dân cũng chiếm đa số hội viên của Hội LHPN VN, Đoàn TNCS HCM, Hội Cựu chiến binh. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ cơ sở, nông dân đã tham gia tích cực hơn các hoạt động công cộng. Đặc biệt từ khi triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới, nông dân ở nhiều nơi đã tham gia xây dựng kế hoạch, đóng góp công sức và thực hiện các nội dung của Chương trình. Giai đoạn 2010-2015 nông dân đã đóng góp 12,6% vốn đầu tư của Chương trình, nếu kể cả vốn vay là 63,7%; giai đoạn 2016-2019 tương ứng là 8,2% và 69,4%.

Những tồn tại chính của tam nông

 - Thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giữa nông thôn và thanh thị, giữa các vùng ngày càng doãng ra; nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bằng 62,2% bình quân khu vực đô thị. Thu nhập ở Trung du và miền núi phía Bắc chỉ bằng 45,6% bình quân của Đông Nam Bộ. Chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất ở nông thôn là 7,99  lần.

- Lao động nông thôn có xu hướng già hóa nhanh; Chất lượng lao động nông thôn cải thiện chậm, nhìn chung còn thấp.

Trong khi lao động nông thôn tăng thêm 2,13 triệu người lên 36,09 triệu người thì số lao động làm việc trong ngành nông lâm ngư nghiệp giảm mạnh, tới 6,58 triệu người, năm 2020 còn 17,72 triệu người. Độ tuổi bình quân của lao động trong và trên độ tuổi lao động tăng từ 38,54 tuổi năm 2011 lên 40,16 tuổi năm 2016. Tỷ lệ lao động nữ trong nông nghiệp ngày càng tăng, hiện chiếm 63,4% tổng số so với 57,5% là nam giới.

Không đạt yêu cầu của Nghị quyết về tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%. Hiện còn tới 65,4% lực lượng lao động nông thôn chưa được đào tạo; 18,3 % chỉ được đào tạo ngắn hạn không được cấp chứng chỉ; trong số 16,3% được đào tạo và được cấp chứng chỉ: sơ cấp 4,0%, trung cấp 3,7%, cao đẳng 2,9%, đại học trở lên 5,7%. Tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp còn lớn, năng suất lao động thấp, chỉ bằng 44% trung bình cả nước.

- Tiếp cận y tế, giáo dục, văn hóa thấp hơn so với đô thị. Tệ nạn xã hội gia tăng. Khoảng 62% xã có tội phạm, 63% xã có nghiện hút ma túy.

- Kết cấu xã hội có sự nông thôn xáo trộn, có biểu hiện mai một văn hóa truyền thống. Nhiều nơi người trẻ đi lên thành phố làm việc, ở quê còn lại chủ yếu người già. Sự gắn kết cộng đồng ở nhiều vùng nông thôn có xu hướng giảm. Số liệu VARHS cho thấy, tỷ lệ xem trọng mối quan hệ với họ hàng, hàng xóm có xu hướng giảm, thay vào đó mối quan hệ bạn bè ngày càng được xem trọng hơn.

Nhiều làng quê bị bê tông hóa...Trong khi đó, một số tổ chức chính trị-xã hội hoạt động hình thức, hành chính hóa.

Bài học lớn nhất rút ra sau 13 năm thực hiện đó là Nghị quyết 26 đã tạo ra sự thống nhất cao trong Đảng về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, từ đó cả hệ thống chính trị và xã hội đã dành sự quan tâm cao, nguồn lực cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục nên đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, khá toàn diện đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy vậy, nhận thức, sự quan tâm, nguồn lực và sự chỉ đạo ở nhiều nơi chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

CTV)