Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

550
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 15:00 27/09/2018
Chương trình OCOP- cơ hội bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn
Với nội dung hỗ trợ phát triển nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản của nông thôn, Chương trình OCOP đã mở ra cơ hội cho công tác bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế

Làng Bao La bên bờ phá Tam Giang trải qua hơn 6 thế kỉ vẫn còn đó với nghề đan mây tre từ thời mở cõi. Nhiều sản phẩm truyền thống như rổ, rá, nong nia, thúng, mủng… tưởng biến mất trước những sản phẩm tân kì, vẫn có mặt khắp nơi, trở thành niềm tự hào của làng. Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La khoe: “Sản phẩm mây tre nếu không do người Bao La làm chắc chắn sẽ không đẹp và sắc. Với bí quyết riêng của mình, bây giờ làng nghề vẫn sống khỏe, sống tốt. Rổ rá mây, tre Bao La không chỉ đi Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội mà còn sang Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức…”. Theo ông, cái “tài” ở đây không chỉ ở 5 hay 6 công đoạn làm ra một sản phẩm, mà còn ở cái tâm với nghề và sự học hỏi để biến những sản phẩm vốn không thuộc về đan lát trở thành sản phẩm của nghề.

Hiện làng nghề đan lát Bao La với hàng trăm lao động có việc làm ổn định, sản phẩm làm ra không đủ cung ứng ra thị trường. Làng nghề nón lá Mỹ Lam tìm được nguồn cung do mẫu mã cải tiến, chủng loại phong phú, thu hút trên 500 hộ tham gia. Làng gốm Phước Tích khởi động trở lại sau nhiều năm tắt lửa, mang lại tín hiệu vui cho người dân. Làng nghề kim hoàn Kế Môn, tranh giấy Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng (thổ cẩm) A Lưới... cùng nhiều làng nghề khác được bảo tồn, khôi phục, phát triển.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Khi các làng nghề có thương hiệu thì việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả hơn và giúp một lượng lớn lao động nhất là ở nông thôn có thu nhập. Đây cũng là điều kiện góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới”.

Với vị thế là một trung tâm du lịch của quốc gia, sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế có vị trí quan trọng để tạo sự hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch. Từ năm 2005 đến nay, vào những năm lẻ, tỉnh tổ chức các kì Festival nghề truyền thống. Tại đây, các nghệ nhân, thợ giỏi đem hết tài năng, trí tuệ tạo nên những sản phẩm độc đáo giới thiệu với công chúng và du khách. Qua đó, làm sống dậy các nghề, làng nghề, thúc đẩy bảo tồn các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, góp phần phát triển ngành du lịch và kinh tế địa phương.

Với 92 làng nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống, ngành du lịch tỉnh đã mạnh dạn kết nối các tour du lịch đến các làng nghề, điểm tham quan như: Tour du lịch trải nghiệm Đúc đồng, nhà vườn Thủy Biều, Kim Long; tour ấn tượng Huế xanh; Gốm, Nón lá, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh làng Sình… Nếu ở làng hương Dương Xuân Thượng, khách du lịch được trải nghiệm cách se hương, thì nhiều làng nghề khác lại tạo ra những sản phẩm phục vụ khách như nón Thúy (Phủ Cam), hoa giấy (Thanh Tiên), đan lát Bao La… Đây là cách kết hợp khai thác tiềm năng du lịch di sản vốn có của Huế, bởi khách du lịch đến làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm mà còn muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm.

Trong “Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, tỉnh xác định phải gắn với du lịch. Tỉnh sẽ xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sáng tác mẫu sản phẩm mới, mạnh dạn đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại để sản xuất hàng loạt các sản phẩm truyền thống, giá thành thấp phục vụ nhu cầu của du khách và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ tạo ra quá trình sản xuất, cung ứng các sản phẩm tại chỗ. Mặt khác, việc đưa hoạt động du lịch về các làng nghề sẽ tạo nguồn thu nhập mới cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển nghề bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao đáp ứng nhu cầu du khách.