Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1202
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 21:22 13/12/2018
Hội thảo góp ý Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP tỉnh
Ngày 12 /12 Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo " Kế hoạch triển khai Chương trình "Mỗi xã mỗi sản phẩm giai đoạn 2018-2020" tỉnh Thừa Thiên Huế, Tham dự Hội thảo có các chuyên gia tham vấn, đại diện các sở, ban ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh. Ông Hồ Vang, PGĐ sở Nông nghiệp và PTNT, chủ trì Hội thảo.

Theo dự thảo Kế hoạch,  Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương và phát triển du lịch dịch vụ ở nông thôn theo 6 nhóm ưu tiên là: thực phẩm, đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

Theo báo tại hội nghị, toàn tỉnh hiện có 78 sản phẩm có thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó, có 33 sản phẩm đã công bố chất lượng hàng hóa; 35 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm là gần 548 nghìn tỷ đồng/năm.

Đây là những nhóm sản phẩm có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển như dịch vụ và du lịch; góp phần giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam.

Đối tượng thực hiện là sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là sản phẩm vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương, lấy chủ thể kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc: hành động địa phương hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực.

Mục tiêu Kế hoạch đề ra đến 2020, phấn đấu có 50% số sản phẩm hiện có của địa phương được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa (khoảng 50 sản phẩm). Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia Chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh; Phấn đấu phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP.

Tại hội thảo thảo nhiều ý kiến đã góp ý bổ sung theo đó thời gian thực hiên chỉ trong 2 năm nên cần xem lại mục tiêu dề ra và lựa chọn khối lượng công việc để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch. Nhiều ý kiến cho rằng cần phối  hợp với các cơ quan liên quan như Công Thương, Khoa học Công nghệ để  bảo đảm tính thống nhất,  hiệu quả của Kế hoạch.

Chi cục PTNT