Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

66
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 15:18 25/10/2022
Quảng Điền Nâng cao chất lượng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Quảng Điền tập trung thực hiện 2 chương trình trọng điểm nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện, góp phần tích cực trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là “Chương trình nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất” và “Chương trình phát triển dịch vụ, du lịch”.

Nâng cao chất lượng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Quảng Điền là huyện thuần nông, địa hình là vùng đồng bằng thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, được mệnh danh là “rốn lũ của tỉnh”. Trong 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Điền đã huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát huy tối đa nội lực “chung sức, đồng lòng” để xây dựng huyện, xã NTM, đạt những thành quả đáng trân trọng.

Đến nay, huyện đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM, huyện Quảng Điền đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020 tại Quyết định ngày 9/5/2022. Đặc biệt, trong 10 xã đạt chuẩn NTM có 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, tỷ lệ hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM của huyện đạt rất cao (99,88%),...

Với quan điểm “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, huyện Quảng Điền sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% số xã nâng cao các tiêu chí; có ít nhất 50% đạt xã NTM nâng cao và 20% đạt xã NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành trên 100 triệu đồng/ha. Mở rộng diện tích trồng lúa và rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sử dụng công nghệ sạch chiếm 25-30% diện tích sản xuất (trong đó hữu cơ trên 5%). Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bán công nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao, khép kín, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ khoảng 700ha; thực hiện nuôi xen ghép, nuôi chuyên cá; trên 90% diện tích nuôi sử dụng chế phẩm sinh học. Huyện cũng đã hình thành được một số trang trại thủy sản đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch ẩm thực.

Khai thác lợi thế về du lịch

Quảng Điền sở hữu vùng đầm phá khá rộng lớn. Đặc biệt, đầm phá Tam Giang (diện tích mặt nước 2.292ha) ngoài tiềm năng to lớn về đánh bắt và nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị thì với phong cảnh nên thơ, nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách. 

Bên cạnh đó, Quảng Điền có 11km bờ biển với nhiều cảnh quan đẹp; trên địa bàn huyện còn lưu giữ các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, các làng nghề truyền thống,… Đây là những tiềm năng đa dạng có thể khai thác phát triển du lịch. Huyện Quảng Điền đang tập trung đẩy mạnh liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, đầm phá Tam Giang, các di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề truyền thống trên địa bàn để phát triển du lịch. Xây dựng, hình thành được một số tour, tuyến du lịch thường xuyên về trên địa bàn và khu ẩm thực đặc sản vùng biển, đầm phá Tam Giang. Qua đó, tạo bước đột phá về du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế biển và đầm phá Tam Giang.

Đồng thời, huyện tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch của huyện, nhất là vùng đầm phá Tam Giang với các hoạt động trải nghiệm thú vị và cảnh quan sinh thái vùng đất ngập nước Tam Giang rộng lớn với nhiều tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả.