Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

1522
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 08:39 07/03/2017
FESTIVAL HUẾ: SỰ THAM GIA CỦA CÁC SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP
Như đã đưa tin, tại Hội nghị "Phát triển mỗi xã mỗi sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" do Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức từ ngày 01-02 tháng 3 năm 2017, đại diện các tỉnh tham dự hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phương, PCT UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bài tham luận. BBT Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận

Kính thưa đ/c Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa đ/c Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT,

Kính thưa quý vị đại biểu và toàn thể Hội nghị,

Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 5.053 km2, dân số gần 1,2 triệu người. Có 152 phường, xã, thị trấn. Trong đó có 47 phường, thị trấn và 105 xã. Có 38 xã miền núi, vùng cao. Dân cư khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng cao (65,7%). Thừa Thiên có 5 vùng sinh thái: Biển, đầm phá, đồng bằng, trung du và miền núi. Đặc biệt có bờ biển dài 126 km và có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000 ha, lớn nhất Đông Nam Á.

Thành phố Huế, với vị thế là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của quốc gia, là thành phố Festival của cả nước, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống Huế có một ví trí quan trọng để tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch đến Huế.

Đến nay tại Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công 6 kỳ Festival chuyên đề (Năm nay, Festival nghề truyền thống – Tinh hoa nghề Việt- lần thứ VII sẽ được tổ chức từ ngày 28 tháng 4 đến 02 tháng 5 năm 2017).

Trong các kỳ Festival đó, hầu như các nghề và làng nghề truyền thống tiêu biểu của địa phương đều đã được huy động tham gia. Đó là một trong những nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh cũng như làm sống dậy các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống Huế; qua đó đã bước đầu bảo tồn các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, mặt khác giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch và kinh tế địa phương.

Tại mỗi kỳ Festival, các doanh nghiệp, các nghệ nhân, thợ giỏi của các cơ sở nghề truyền thống đã đem hết tài năng, trí tuệ và tinh hoa của nghề để tạo nên những sản phẩm độc đáo giới thiệu với công chúng và du khách gần xa. Có thể kể đến những đóng góp của sản phẩm làng nghề truyền thống cũng như doanh nghiệp như sau:

- Các doanh nghiệp, các nghệ nhân Huế đã tạo ra được nhiều mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Đa số sản phẩm đều thể hiện được nét văn hóa Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa Huế nói riêng.

- Nhiều sản phẩm nghề truyền thống đã được cách tân theo hướng phục vụ du lịch và xuất khẩu, thể hiện sự khéo léo, tài hoa và óc sáng tạo, độc đáo của các nghệ nhân,

- Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất thủ công và máy móc thiết bị hiện đại. Nhiều công đoạn sản xuất thủ công của các nghề truyền thống đã được các cơ sở đầu tư cải tiến, đưa máy móc thiết bị vào thay thế nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm;

- Bước đầu đã thu hút sự tham gia của các họa sỹ, nghệ nhân nổi tiếng trong việc sáng tác, thiết kế các mẫu hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Huế;

- Một số nghề, sản phẩm nghề được phục hồi như gốm Phước Tích, pháp lam Huế; hoa giấy Thanh Tiên… Một số sản phẩm mới được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ giấy trúc chỉ, tranh dán đá, tranh vẽ trên lụa, tranh thư pháp, tranh sáo tre… đã góp phần làm phong phú thêm cho hàng thủ công mỹ nghệ Huế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế qua các kỳ Festival vẫn còn những thiếu sót, yếu kém, biểu hiện cụ thể ở một số điểm sau:

- Do sản xuất thủ công, năng suất thấp nên sản lượng sản phẩm làng nghề Huế truyền thống vẫn còn ít và giá thành lại cao, vì vậy khó cạnh tranh trên thị trường.

- Các cơ sở sản xuất sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế vẫn còn  manh mún, nhỏ lẻ; thiếu vốn đầu tư, thiếu sự gắn kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất, giữa cac ngành nghề, làng nghề với nhau, cũng như thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, thương mại, khoa học – công nghệ, trường Đại học Mỹ thuật, các thương nhân, các họa sỹ, các nghệ nhân với các nhà sản xuất...

- Công tác quảng bá, giới thiệu cho du khách còn yếu, chưa tạo được ấn tượng mạnh, gây sự chú ý và sức hấp dẫn với du khách.

Kính thưa quý vị, 

Trước thực trạng đó, để khôi phục, phát triển nghề, làng nghề truyền thống Huế nhằm nâng cao hiệu quả về kinh tế- xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề và làng nghề truyền thống Huế,  Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra một số giải pháp để sớm triển khai trong thời gian tới, đó là:

- Xây dựng chương trình khôi phục, phát triển làng nghề với chương trình phát triển dịch vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động các tour du lịch làng quê, làng nghề;

-  Nghiên cứu ban hành một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các sơ sở mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế theo hướng sản xuất hàng loạt, giá thành thấp phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách.

- Tăng cường hơn nữa các hình thức thông tin, quảng bá sản phẩm, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông về nét đặc trưng Huế cũng như  các giá trị văn hóa, lịch sử ẩn chứa trong các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế.

Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lựa chọn một số  làng nghề phù hợp để tiến hành quy hoạch không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi nghề, mà còn biết trình diễn và tham gia các hoạt động quảng bá du lịch. Theo quy hoạch giai đoạn 2016-2020 có 8 nghề và làng nghề gắn với du lịch tại các làng nghề ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển như sau:

1. Làng nghề Đúc đồng Huế (phường Phường Đúc và Thủy Xuân, Tp. Huế).

2. Làng nghề Gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).

3. Làng nghề Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).

4. Làng nghề Tranh dân gian làng Sình và Hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang).

5. Làng nghề  Nón lá Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy).

6. Làng nghề  Nón lá Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang).

7. Làng nghề Dệt Zèng tại các xã A Roàng, A Đớt, Thị trấn A Lưới, huyện A Lưới.

8. Làng nghề đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú và Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.

(Chi tiết các làng nghề truyền thống Huế xin quý vị xem ở phụ lục đính kèm trong Kỷ yếu Hội nghị)

Về kiến nghị

Để hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống Huế cũng như trên cả nước trong giai đoạn đến, kiến nghị Trung ương và các Bộ Ngành sớm xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm làng nghề truyền thống phát triển bền vững như:

-      Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tăng cường cho vay tín chấp, giảm thiểu các thủ tục;

-      Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhất là trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề;

-      Giao cho Bộ Ngành cụ thể để tập trung đầu mối chịu trách niệm về lĩnh vực phát triển làng nghề truyền thống trên cả nước.

Trên đây là Báo cáo tham luận của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trân trọng cám ơn quý vị đại biểu đã lắng nghe!

 

Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh