Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

1759
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 08:45 17/04/2017
Hà Nội tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại Thừa Thiên - Huế
Sáng 13-4, Đoàn Công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Hà Nội do ông Lê Thiết Cương, Phó chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội làm Trưởng đoàn đã làm việc với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan, học tập kinh nghiệm về xây dựng NTM, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

Theo ông Phạm Quyền, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM Thừa Thiên - Huế, đến nay, địa phương có 23/105 xã đạt tiêu chí xây dựng NTM. Đáng chú ý, Thừa Thiên - Huế không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM. Hiện một số tiêu chí có bước tiến bộ lớn như: An ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị, y tế, giao thông, bưu điện... Cách làm ở Thừa Thiên - Huế là đã huy động được đa dạng nguồn lực, vận động nhân dân chủ động tham gia xây dựng NTM. Để làm được điều này, Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều gia đình đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng NTM.

Thời gian tới, Thừa Thiên - Huế phấn đấu có 59% xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, các xã cơ bản đã hoàn thành NTM, nhóm về sau đều là xã khó khăn. Tháo gỡ khó khăn này, Thừa Thiên - Huế tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập cho nông dân; làm tốt công tác tuyên truyền; lồng ghép các nguồn lực; đặc biệt sử dụng các nguồn lực hợp lý...

Về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), Thừa Thiên - Huế đã có một số doanh nghiệp đầu tư như: Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình hữu cơ (organic) và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Cách liên kết là: Chính quyền đứng ra làm trung gian, nông dân ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất hoặc có nông dân tự làm trên đất của mình nhưng theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp và được doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Sản xuất NNCNC mang lại giá trị cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Hay như một số mô hình HTX đứng ra xây dựng nhà lưới, làm rau sạch (dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sở NN&PTNT). Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tiền Phong đầu tư mô hình NNCNC trong trồng hoa, trồng rừng kết hợp với phát triển cây dược liệu cho thu nhập cao. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ với Thừa Thiên - Huế, ông Lê Thiết Cương, Trưởng đoàn công tác cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội có 255/386 xã hoàn thành xây dựng NTM. Mặc dù đạt kết quả cao nhưng NNCNC của Hà Nội còn nhiều khó khăn. Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội mong muốn tìm hiểu những mô hình hay của Thừa Thiên - Huế và các địa phương khác để tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU triển khai và phát triển NNCNC của Hà Nội trong thời gian tới.

 

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới