Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

1572
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 20:45 04/03/2017
Hội nghị Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 2/3, tại Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Đoàn đạị biểu tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Nguyễn Văn Phương, PCT UBND tỉnh tham dự và có bài tham luận tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương lân cận. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo: Phong trào xây dựng NTM được bắt đầu từ năm 2010, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Chính sách phát triển nông nghiệp đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nông thôn.

Hiện cả nước có trên 56.000 doanh nghiệp, gần 800 HTX, 5.411 làng nghề. Hoạt động của làng nghề thu hút 30% lao động, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn với thu nhập ngày càng cao. Nét nổi bật trong thời gian qua về phát triển ngành nghề nông thôn đó là mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”, trong đó Quảng Ninh là tỉnh đi đầu với Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Chương trình xây dựng NTM trong cả nước, mỗi địa phương có một cách làm đưa lại hiệu quả. Quảng Ninh có cách làm hay. Mặc dù Quảng Ninh thế mạnh là công nghiệp - cảng biển - biên mậu – dịch vụ du lịch, cơ cấu nông nghiệp chỉ còn 5%, song tỉnh này đầu tư cho nông nghiệp đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm đã đưa đời sống, xã hội nông thôn đi lên, xứng đáng được chọn làm điểm chỉ đạo để nhân ra diện rộng phạm vi toàn quốc.

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, chương trình OCOP là một mô hình mới, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, do đó chưa có mô hình cụ thể để học tập. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Quảng Ninh đã bố trí cho cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở, giám đốc các doanh nghiệp, HTX đi nghiên cứu, học tập tại Nhật Bản và Thái Lan; bố trí tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách để quản lý chương trình. Tỉnh đã ban hành các chính sách phù hợp, thiết thực để huy động nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực từ nhân dân, các tổ chức kinh tế, vốn ngoài ngân sách để thực hiện. Đồng thời chủ động nghiên cứu, ban hành và tổ chức hướng dẫn thực hiện Bộ công cụ quản lý chương trình OCOP; hàng năm ban hành kế hoạch thực hiện theo lộ trình của Đề án, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá theo tiến độ, đồng thời hướng dẫn từng địa phương sản xuất các sản phẩm của chương trình OCOP.

Quảng Ninh xác định cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trong số 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP của tỉnh đã có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, với nhiều sản phẩm có thương hiệu trong nước và quốc tế như: chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ, sá sùng Vân Đồn, cua biển Quảng Yên, lợn Móng Cái… Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh rất lớn, sản phẩm OCOP đã đi vào bữa ăn của người dân, phục vụ khách du lịch và mở rộng địa bàn xuất khẩu.

Đại diện 54 tỉnh thành phố và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong cả nước tham luận khẳng định hướng đi đúng đắn và sự cần thiết của phong trào mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng NTM. Nhiều báo cáo đã chỉ ra thực trạng phát triển làng nghề tại địa phương mình và những khó khăn trong việc phát triển sản phẩm chủ lực, hướng đi trong thời gian tới cũng như vai trò của liên minh HTX trong phát triển làng nghề. Tuy nhiên, chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều; cơ sở hạ tầng ở nhiều làng nghề chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Toàn quốc vẫn còn tình trạng nhà nông bỏ nghề ra phố làm thuê, nên người có tay nghề cao trong canh nông, chế biến sản phẩm ở các làng nghề có xu hướng giảm. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hẹp, các chính sách hỗ trợ còn thiếu và chưa có sự thống nhất chung.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tham luận tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để nâng cao đời sống nông dân cần tập trung phát triển kinh tế nông nghiêp, tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn, kết hợp hài hòa với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới, nước sạch, các thiết chế văn hóa, y tế-giáo dục thôn bản. Bên cạnh đẩy mạnh tái cấu trúc nông nghiệp cần phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm và sản phẩm mới, tạo thêm giá trị kinh tế để nông thôn phát triển hơn. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cùng với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến quan trọng. Nhiều tỉnh thành phố trong cả nước đã tổ chức sản xuất tại nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện phát triển kinh tế nông thôn. Các Bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý mới phát triển phi nông nghiệp nông thôn; phải tổ chức quy hoạch lại sản xuất ở nông thôn, cần xác định rõ các sản phẩm chủ lực, ngành nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển, từ đó có kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển chương trình, từ đó đề xuất giải pháp thực hiện; huy động nguồn lực phát huy kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học, nhà tư vấn tham gia chương trình, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị chất lượng cao.

Văn phòng Điều phối tỉnh (tổng hợp)