Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

2047
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 15:19 30/09/2016
Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020
Sáng ngày 30/9, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai doạn 2016 - 2020 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;  Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương, tính đến ngày 15/9/2016, cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 515 xã (5,9%) so với cuối năm 2015. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 đơn vị so với năm 2015. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình là hơn 851.380 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 11,6%, còn 88,4% là từ nhiều nguồn lực khác nhau như từ người dân, doanh nghiệp, tín dụng…Dự kiến, hết năm 2016, sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn và có khoảng 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Điểm cầu truyền hình Hà Nội

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020 là cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã; nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Đến năm 2020, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã. Dự kiến, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho thực hiện chương trình (2016 - 2020) là hơn 193.000 tỷ đồng.

Điểm cầu truyền hình Hội nghị trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế 

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung thành phần chủ yếu là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã; thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Đối với các xã đã đạt chuẩn, lựa chọn nội dung phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Về các giải pháp thực hiện là tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình; thực hiện nghiêm túc việc đóng góp của nhân dân trong xã để triển khai các dự án theo nguyên tắc tự nguyện.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng 20 xã đã đạt chuẩn NTM, phấn đấu thêm 41 xã đạt chuẩn NTM để đến năm 2020 đạt tỷ lệ 59% số xã đạt chuẩn NTM và có 02 huyện (Quảng Điền, Nam Đông) đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân 16,5 tiêu chí/xã cuối năm 2020. Dự kiến, tổng vốn thực hiện Chương trình là 7.220 tỷ đồng.  

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và người dân đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, đạt kết quả to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, NTM là cuộc cách mạng, là khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển, đồng thời phải tạo ra một thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có tinh thần doanh nghiệp. Do đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi đây nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải thực sự hành động vì dân với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chỉ ra các mặt tồn tại cần tập trung khắc phục thời gian tới như một số nơi còn chạy theo thành tích mà biểu hiện là đã nợ đọng hay huy động người dân đóng góp quá sức. Thủ tướng yêu cầu, việc xã hội hóa nguồn lực tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp quá sức, nhất là đối với người nghèo; đặc biệt là phải hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đời sống nhân dân tốt hơn qua xây dựng NTM. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu gắn liền với đô thị văn minh, chú trọng bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Văn phòng Điều phối tỉnh