Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1909
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 11:23 22/09/2014
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới từ điểm sáng xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
Mô hình nuôi bò sữa tăng thu nhập ở Quảng Lập
Trong chuyến thăm quan học tập của Văn phòng Điều phối tỉnh Thừa Thiên Huế trong tháng 9/2014 tại Lâm Đồng, một trong những địa điểm dây ấn tượng nhất của Đoàn là xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Từ điểm xuất phát trước khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới (2010), Quảng Lập mới chỉ đạt 5 tiêu chí so với bộ tiêu chí Quốc gia. Thế nhưng, sau 3 năm triển khai đầu tư xây dựng, từ các nguồn vốn ngân sách, đặc biệt huy động sức dân tham gia xây dựng, đến nay Quảng Lập tự tin hội đủ điều kiện trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện.

 Làm việc với Đoàn Thừa Thiên Huế, Ông  Chủ tịch UBND xã Quảng Lập Nguyễn Bình Trị cho biêt:"Năm 2011, Quảng Lập mới chính thức được phê duyệt đề án xã xây dựng nông thôn mới, khi ấy “vốn liếng” trong tay mới chỉ đạt 5 tiêu chí, bao gồm: điện, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, văn hóa và an ninh trật tự so với bộ tiêu chí quốc gia. Vậy mà sau 3 năm phát động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, phát huy nội lực trong dân tham gia đóng góp xây dựng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, qua đánh giá, Quảng Lập cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Bên cạnh những tiêu chí được từ sự tiếp sức bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách như cơ sở vật chất y tế, bưu điện, trường học hay tiêu chí quy hoạch, các tiêu chí còn lại đều được xếp vào nhóm khó khăn thực hiện bởi mức đầu tư cao, cần sự tham gia tích cực của người dân mà điển hình là giao thông nông thôn, thủy lợi, chợ nông thôn, môi trường…"

 

Điển hình tiêu chí Chợ nông thôn, với phương án đổi đất lấy mặt bằng xây dựng chợ nông thôn, một ngôi chợ mới quy mô chợ loại 2 với 216 quầy sạp khánh thành đi vào hoạt động gần năm nay. Năm 2013, tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1,3 tỷ đồng để đầu tư mở rộng thêm khu vực kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống “nâng tầm” chợ nông thôn xã Quảng Lập trở thành trung tâm buôn bán, giao thương khu vực 5 xã nam sông Đa Nhim và là “chợ quê” có quy mô lớn nhất trong tỉnh. Điều đáng nói là từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước 3,3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng chợ Quảng Lập, nhưng người dân đã góp vốn vào công trình chợ nông thôn này hơn 9 tỷ đồng. 

Chợ Quảng Lập, điển hình  huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới với sô tiền đóng góp của dân là 9 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư 12 tỷ 

Tương tự, ở tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn, bên cạnh tuyến đường ĐT 413 đi qua xã dài 2,4 km đã được đầu tư bê tông nhựa nóng, còn lại 5 tuyến đường trục thôn dài 7,7 km nhưng đã được nhựa hóa 5,4 km và 2,3 km được đầu tư đường cấp phối đá dăm. Và trong 13 tuyến đường ngõ xóm dài 12 km trước đây là đường đất thì nay đã được cứng hóa gần như toàn bộ. Trong đó, 475 m đường xóm được đầu tư bê tông nhựa nóng, 6,8 km bê tông xi măng và 4,7 km cấp phối sỏi đồi đảm bảo cho xe cộ ra vào thu mua nông sản. Không dừng lại ở đường làng ngõ xóm, các tuyến đường nội đồng cũng được đầu tư làm mới 4,1 km cấp phối đá dăm và cấp phối sỏi đồi trong tổng số 12,3 km. Để đạt được tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn không phải dễ dàng nếu không huy động được nguồn vốn đóng góp của dân vì Nhà nước hỗ trợ còn dân đối ứng vốn và tổ chức thi công. Theo thống kê của UBND xã Quảng Lập, tổng vốn đầu tư cho giao thông nông thôn trên địa bàn xã những năm qua lên tới gần 20,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 10,1 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Mới thấy, chỉ với một tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn, sức dân Quảng Lập tham gia không phải nhỏ.

Không riêng gì chợ nông thôn, đường giao thông, hầu hết trong các tiêu chí còn thiếu khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở Quảng Lập đều có dấu ấn chung tay của người dân. Để có cơ sở vật chất đạt chuẩn văn hóa từ công trình nhà văn hóa, nhà truyền thống… đến hội trường các thôn, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, người dân Quảng Lập đã đóng góp gần 800 triệu đồng trong tổng mức kinh phí đầu tư 2,4 tỷ đồng xây dựng các hạng mục phục vụ văn hóa. Hay dân đóng góp 555 triệu đồng để kéo đường điện chiếu sáng toàn xã với tổng chiều dài 29 km, hoặc việc vận động hiến đất, ủng hộ tiền của, ngày công cùng với Mặt trận huyện xóa 2 căn nhà tạm cuối cùng trong xã trị giá trên 120 triệu đồng. Điểm lại quá trình xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm thực hiện, đời sống của người dân Quảng Lập không ngừng được cải thiện, từ mức thu nhập bình quân đầu người 17 triệu đồng/năm thời điểm năm 2010 nâng lên 40 triệu đồng/người/năm vào cuối năm nay. Số hộ nghèo giảm từ 116 hộ năm 2010 đến nay còn duy nhất 4 hộ, đạt tỷ lệ 0,37% trong tổng số hộ trong xã. Các tiêu chí khác về hình thức sản xuất, y tế, giáo dục, môi trường… đều đảm bảo đạt so với tiêu chí chung đề ra. 


Thăm một cơ sở nuôi bò sữa quy mô hộ gia đình ở xã Quảng Lập, Đơn Dương, Lâm Đồng

 Từ 5 tiêu chí ban đầu khi triển khai xây dựng xã nông thôn mới, nhìn lại chặng đường đã qua có thể thấy Quảng Lập có bước đi mạnh mẽ và chỉ sau 3 năm đã về đích với 19 tiêu chí đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Lập Nguyễn Bình Trị, để xây dựng thành công xã nông thôn mới, điều quan trọng cần phải huy động cả hệ thống chính trị chủ động vào cuộc, nhất là phát huy tối đa quy chế dân chủ ở cơ sở để huy động mọi nguồn lực trong dân. Đặc biệt, quá trình thực hiện phải thực sự công khai, minh bạch những công việc cần thiết phải thực hiện, nhất là luôn lắng nghe, thảo luận với dân, tranh thủ ý kiến của nhân dân đóng góp để xây dựng nguyên tắc trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới. Bởi việc xây dựng nông thôn mới nếu không có sự chung tay góp sức của dân sẽ không bao giờ thực hiện được. Đấy là chưa kể khi đạt các tiêu chí rồi còn phải tiếp tục huy động nhân dân giữ vững các tiêu chí và ngày càng làm cho các tiêu chí đã đạt được ngày một chất lượng, bền vững hơn.

 

Văn phòng Điều phối tỉnh Thừa Thiên Huế