Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1982
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 15:56 22/11/2013
Mặt trận Tổ quốc Tỉnh nổ lực tham gia xây dựng nông thôn mới
(TTH) - Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) có mục tiêu toàn diện, tổng hợp của Đảng và Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của trên 70% dân số toàn tỉnh. Vì thế, Mặt trận TQVN tỉnh sớm triển khai thực hiện Chương trình gắn với 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và việc thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Những kết quả

Những kết quả


Điền hình là Mặt trận TQVN các cấp trên địa bàn đã phối hợp với các ban ngành, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến cán bộ cơ sở và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình, nắm chắc 19 tiêu chí về NTM. Qua đó, đã nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, coi Chương trình này là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dần dần xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Các địa phương đã huy động nhân dân đóng góp bằng tiền và tài sản trên đất hơn 125, 9 tỷ đồng; 12.500 ngày công lao động và 92.000m2 đất để thực hiện các hạng mục thuộc Chương trình xây dựng NTM.

 

 

Đồng chí Võ Văn Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới huyện Quảng Điền

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tiếp tục mang lại những kết quả thiết thực, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, có nhà ở, tạo thêm nguồn lực cùng Nhà nước thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, đã động viên, khơi dậy truyền thống nhân ái, “thương người như thể thương thân” trong các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn vốn cho mượn của Mặt trận TQVN tỉnh, nguồn vốn phát triển sản xuất của Chương trình và các nguồn khác, bà con ở các khu dân cư đã giúp nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, đã hình thành 55 mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả (trong đó 28 mô hình trồng trọt, 21 mô hình chăn nuôi và 6 mô hình thủy sản), 4 cánh đồng mẫu (năng suất đạt 64 tạ/ha); 2 làng nghề, 1 cơ sở chế biến mủ cao su… góp phần giảm nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng. Kinh tế trang trại được củng cố và phát triển. Ngoài ra, trong 3 năm qua, Mặt trận TQVN các cấp và các tổ chức thành viên xây dựng mới, sửa chữa 4.580 ngôi nhà với tổng số tiền 46.804 triệu đồng; đã hỗ trợ 34.962 triệu đồng cho 77.074 lượt hộ nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhờ vậy, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống dưới 8%.

Mặt trận TQVN tỉnh cũng quan tâm thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh ở khu dân cư; tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đạo đức và lối sống, gắn liền với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trong 3 năm, bằng nguồn vốn huy động, Mặt trận TQVN tỉnh đã xây dựng 32 trường mẫu giáo với 73 phòng học, tổng kinh phí 41.531 triệu đồng, giúp các địa phương huy động thêm 3.650 cháu trong độ tuổi ra lớp. Mặt trận TQVN các cấp và các tổ chức thành viên đã trao học bổng với số tiền 7.182 triệu đồng cho 36.520 học sinh nghèo học giỏi. Đến nay, toàn tỉnh có 80, 84% làng, thôn, bản được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 87, 1% gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” được Mặt trận TQVN các cấp phối hợp triển khai về tận khu dân cư; xây dựng được nhiều mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”.

Mặt trận TQVN các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên coi trọng công tác phát huy dân chủ, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Công tác quốc phòng an ninh tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, thông qua các các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”... Nhân dân đã cung cấp 3.216 nguồn tin tố giác tội phạm, 1.637 người được cảm hóa, giáo dục tại cơ sở, có 1.217 người tiến bộ, có 1086 khu dân cư không phát sinh tội phạm. Những kết quả trên đã góp phần củng cố hệ thống chính trị, chất lượng hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở ngày càng vững mạnh; địa vị chủ thể của người dân từng bước được nâng lên.

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình, tổng tiêu chí đạt được toàn tỉnh đến hết quý 3-2013 là 1.072 tiêu chí/92 xã, tăng 222 tiêu chí so với năm 2012; bình quân tăng 2, 4 tiêu chí/xã; đạt tỷ lệ 61, 3% so với tổng số tiêu chí của 92 xã toàn tỉnh (1.748 tiêu chí). Bình quân số tiêu chí đạt/ 1 xã: 11, 65 (hiện nay cả nước bình quân 8, 06).

Tiếp tục tham gia tích cực

Bên cạnh, những kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng NTM vẫn tồn tại một số hạn chế như : Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về xây dựng NTM chưa thật đầy đủ, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước…Trong lãnh đạo, chỉ đạo, một số địa phương còn chưa quyết liệt, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; đang coi trọng việc xây dựng, đầu tư hạ tầng mà chưa quan tâm, coi trọng đúng mức công tác chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Nguồn vốn dành cho Chương trình NTM của Nhà nước còn rất hạn chế, triển khai chậm. Thủ tục giải ngân, thanh quyết toán đối với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” còn phức tạp, chưa sát với đặc thù “Dân làm, dân quản, Nhà nước hỗ trợ”, đã phần nào làm giảm động lực, tính chủ động của cán bộ cơ sở và cộng đồng dân cư trong việc huy động nguồn vốn tại chỗ.

Xây dựng NTM là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân. Đây là công việc vừa mới, vừa khó, vừa đòi hỏi sức người, sức của rất lớn. Vì vậy, Mặt trận TQVN các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng người dân, từng hộ gia đình hiểu rằng, người dân là chủ thể của quá trình xây dựng NTM. Từ đó, tiếp tục động viên nhân dân chủ động trong việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, bố trí lại các công trình hợp vệ sinh, cải tạo lại vườn, ao, đầu tư cho sản xuất để có thu nhập cao hơn và tạo cảnh quan nhà ở khang trang, sạch đẹp hơn. Đồng thời, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động của thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện tốt nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong sạch vững mạnh.

Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng đã và đang đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị và người dân quan tâm. Từ kinh nghiệm của thực tiễn trong quá trình thực hiện 3 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, sự vào cuộc tích cực và quyết tâm của Mặt trận và các tổ chức thành viên, chắc chắn công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tốt, tạo chuyển biến tích cực, sớm đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Võ Văn Chinh (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh)