Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

2746
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 14:44 17/07/2017
Mục tiêu là nâng cao đời sống người dân
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN PTNT Trần Thanh Nam tại hội thảo triển khai chương trình KH- CN phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra tại Nghệ An.

Theo Thứ trưởng, để nâng cao đời sống người dân nông thôn cần tập trung xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả; thực hiện tốt hơn nữa mối liên kết 4 nhà, tạo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…  

221 tỷ đồng Chương trình KH- CN xây dựng NTM

Chương trình KH- CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 thực hiện từ tháng 12/2013- 6/2016 do GS Nguyễn Tuấn Anh làm chủ nhiệm. Trong giai đoạn này, chương trình đã lựa chọn triển khai 68 nhiệm vụ (bao gồm 66 đề tài và 22 dự án) ở 6 nội dung.

Trong đó có 22 nhiệm vụ được điều chỉnh thời gian thực hiện sang năm 2016 và 28 nhiệm vụ phê duyệt muộn, kinh phí cấp từ quý I/2016, thực hiện trong các năm 2016-2017. Tổng kinh phí Nhà nước cấp cho chương trình là 221 tỷ đồng, đạt 36,8% trên tổng dự kiến 600 tỷ đồng. Kinh phí huy động từ doanh nghiệp thực hiện các dự án là 165 tỷ đồng, đạt 33% so với dự kiến 500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, 68 nhiệm vụ của chương trình đã bám sát các mục tiêu và 6 nội dung cơ bản được giao tại Quyết định số 27/QĐ-TTg, ngày 5/1/2012. Đến nay đã có 51 đề tài, dự án hoàn thành đang chờ nghiệm thu cấp Nhà nước, các nhiệm vụ khác đang triển khai thực hiện theo tiến độ được giao.

Với thời gian triển khai thực chất chỉ diễn ra trong vòng 2,5 năm, chương trình đã giới thiệu, chuyển giao vào sản xuất 146 quy trình, giải pháp công nghệ; xây dựng 131 mô hình ứng dụng KH-CN vào sản xuất; 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị.

Các kết quả nghiên cứu quan trọng được công bố trong 160 bài báo; phát hành 26 sổ tay, sách hướng dẫn. Các đề tài, dự án đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, với nhiều nghiên cứu sinh tiến sỹ, học viên cao học. Khoảng 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã tham gia chương trình được hưởng lợi. Đã tạo được cơ chế phối hợp, tham gia của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, huy động, bổ sung nguồn lực đối ứng được 165 tỷ đồng từ doanh nghiệp và người dân, chiếm 43% tổng kinh phí chương trình.  

Cần tập trung nhóm giải pháp nâng cao thu nhập

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập. Vì thế, cần tập trung vào nhóm giải pháp xây dựng mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Muốn vậy phải có nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, vừa nâng cao năng suất, sản lượng, vừa tìm được đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Thực tế, trong thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, mối liên kết 4 nhà đã được thể hiện rõ và ngày càng khẳng định tính đúng đắn, tích cực. Có thể kể đến các mô hình như nông nghiệp xanh VAC và khí sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với cơ giới hóa nông nghiệp, liên kết cánh đồng lớn tại Nghệ An…

Qua các dự án liên kết, năng suất rau màu tăng 30-35%, lợi nhuận tăng trên 20%; năng suất lúa tăng trên 20%, hiệu quả kinh tế tăng 10-15%. Với những diện tích thực hiện mô hình liên kết hoặc sản xuất rau màu công nghệ cao, hiệu quả kinh tế đạt 300-400 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mức bình quân 82 triệu.


Bên cạnh nâng cao đời sống nông dân, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chương trình KH- CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 cần tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường nông thôn; đưa ra giải pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh về an ninh, chính trị, xã hội. Xây dựng NTM không chỉ “bê tông hóa” một cách khô cứng mà cần phải bảo lưu các giá trị văn hóa, bản sắc vùng miền.

“Xây dựng NTM gắn liền với đô thị hóa nhưng phải loại bỏ nguy cơ mất dần bản sắc văn hóa; không thể ở nông thôn mà nhà ai nấy biết. Xây dựng NTM kiểu mẫu, ngoài kinh tế thì phải duy trì được các thang giá trị tinh thần”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, để hỗ trợ các thôn bản ở những xã đặc biệt khó khăn, sắp tới đây, Trung ương sẽ tập trung nguồn vốn khoảng 1.200 tỷ đồng, hỗ trợ các thôn bản nâng cao đời sống để trở thành những “thành trì” vững chắc về ANTT…

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới