Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1553
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 08:01 28/03/2014
Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên(24/03/2014)
Ngày 24/3 tại Thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình trong 3 năm qua.

Khu vực này bao gồm 19 tỉnh, thành phố với 1.896 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (chiếm 1/5 tổng số xã của cả nước). Đây là những khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp giá trị cao, đa dạng và phong phú; có vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đồng thời, các vùng này còn có thế mạnh để phát triển du lịch thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, rừng, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình bị chia cắt phức tạp, nhiều vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, hạn hán (Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bình quân 03-5 cơn bão/năm); ngoại trừ khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh còn lại cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả còn hạn chế, thiếu liên kết bền vững với doanh nghiệp; kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thuỷ lợi, trường học, nước sạch… ở một số tỉnh còn thiếu và yếu kém; trình độ dân trí và mức sống của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp; tình trạng di dân tự do còn phức tạp và kéo dài… đang là những tác động làm chậm tiến trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương

Trong 3 năm, theo báo cáo của các tỉnh, tổng kinh phí đã huy động cho xây dựng nông thôn mới của cả 3 khu vực khoảng 141.354 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách trực tiếp là 11.807 tỷ đồng (chiếm 8%); Cộng đồng dân cư ước đạt 14.168 tỷ đồng (chiếm 10%). Nguồn vốn ngân sách trực tiếp để phát triển sản xuất đã triển khai được 4.760 mô hình sản xuất (tổng vốn hỗ trợ khoảng 3.490 tỷ đồng).

Một số địa phương đang từng bước xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. TPHCM đang triển khai mô hình sản xuất đạt giá trị sản xuất bình quân 282 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh Bình Thuận, ngoài việc khai thác tiềm năng kinh tế biển cũng triển khai 20.186 ha thanh long VietGAP với 8.110 hộ dân tham gia; xây dựng 16 liên minh sản xuất gắn kết 16 doanh nghiệp với gần 1.600 hộ dân để tiêu thụ nông sản. Ở Tây Nguyên, một số địa phương cũng hình thành vùng chuyên canh công nghệ cao mang thu nhập từ 100-120 triệu/ha/năm cho nông hộ như sản xuất hoa, rau ở Lâm Đồng, hồ tiêu ở Gia Lai… và một số mô hình liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ bền vững.

Các địa phương cũng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch… góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống dân cư (tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành tiêu chí giao thông ở 23% số xã với gần 1.000 km đường được làm mới; Đà Nẵng huy động hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp hàng chục cây cầu, đường xá và trường học...).

Tính đến cuối năm 2013, bình quân khu vực Đông Nam Bộ đạt 9,72 tiêu chí NTM (tăng 3,65 tiêu chí), vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 7,75 tiêu chí (tăng 3,64 tiêu chí) và Tây Nguyên đạt 7,5 tiêu chí (tăng 3,2 tiêu chí), so với bình quân chung của cả nước là 8,48 tiêu chí. Số xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM ở Đông Nam Bộ là 27 xã (chiếm 5,7% số xã toàn vùng), duyên hải Nam Trung Bộ có 2 xã (chiếm 0,2%), Tây Nguyên có 13 xã (chiếm 2,2%), so với 144 xã trên cả nước.

Tuy nhiên, nhiều tiêu chí đạt còn ở mức thấp so với cả nước, ví dụ: Tiêu chí giao thông mới đáp ứng được 11,6% chuẩn quốc gia, Thủy lợi mới đáp ứng được 48% yêu cầu phòng chống lũ lụt và cấp nước cho sản xuất, dân sinh.

Trong sản xuất, nông nghiệp tuy là thế mạnh nhưng việc quy hoạch gắn với đầu tư hạ tầng ở các vùng chuyên canh có hiệu quả cao chưa hình thành vững chắc; cơ chế tín dụng cho nông dân còn bất cập; sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện của thời tiết…

Các tham luận tại hội nghị cho thấy quyết tâm rất lớn của các địa phương trong việc triển khai xây dựng NTM. Các đại biểu nhất trí cho rằng vấn đề nâng cao thu nhập có ý nghĩa cốt lõi để xây dựng NTM, cải thiện đời sống người dân. Với sự lan tỏa hiện nay của phong trào, rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của nhà nước (cả trung ương, địa phương) về vốn, về hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất; đặc biệt, cần có sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, bền bỉ, kiên trì, đây là địa bàn quan trọng nơi có 70% dân số. Mục tiêu của NTM là của dân, phục vụ dân, vì thế dân làm là chính, phải phát huy dân chủ trong huy động sức dân. Việc huy động dân vừa sức, không huy động bắt buộc. Thậm chí phải nghĩ đến việc giao công trình cho dân để tạo công ăn việc làm, thêm thu nhập cho dân. Xây dựng NTM phải vừa triển khai điểm vừa triển khai diện, phải nhân rộng mô hình NTM ở các địa phương. Áp dụng các tiêu chí cho từng địa phương cần được linh hoạt để phù hợp điều kiện và tránh lãng phí.

VPĐPTƯ

Biên tập và ảnh: Đặng Văn Cường