Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

3273
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 15:01 29/07/2016
Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Hai nhiệm vụ lớn là tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu nông nghiệp"
Ngày 28/7/2016, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách nội các Chính phủ khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tân Bộ trưởng Cường được đánh giá là con người quyết đoán, hành động. Hồi mới được phân công lên Bắc Kạn làm Bí thư Tỉnh ủy, cả tỉnh đang ngổn ngang với việc phát triển công nghiệp, khai khoáng hay phát triển nông nghiệp, ông đã dứt khoát chọn việc phát triển nông nghiệp. Bởi theo ông, định hướng phát triển kinh tế chủ yếu của Bắc Kạn nay đã được xác định rõ ràng là nông nghiệp, một hướng đi có lẽ là “đơn giản”, nhưng phù hợp với vùng đất này, hoàn toàn có thể giúp thoát nghèo và giàu lên được.           

Ngay lập tức, ông bắt tay vào việc đẩy mạnh trồng rừng, từ đó giúp Bắc Kạn trở thành một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Trong đó, rất nhiều diện tích rừng đã được quy hoạch thành rừng kinh tế để phục vụ cùng lúc 2 mục tiêu: Nâng độ che phủ rừng và giúp người trồng rừng có thu nhập để gắn bó với rừng.

Thời kỳ đó, ông cũng cho khởi động chương trình trồng dong riềng trên diện rộng. Rồi thúc đẩy trồng lúa thuần, cải thiện và thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con. Đặc biệt, ông Cường đã chủ trương tạm dừng khai thác khoáng sản trên địa bản tỉnh - vấn đề nóng bỏng và rất nhức nhối lúc bấy giờ.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra những thách thức đặt ra với mình trong nhiệm kỳ mới ở lĩnh vực nông nghiệp đó là:

- Thứ nhất, nền nông nghiệp về tổng thể vẫn dựa trên các hộ nhỏ lẻ về quy mô. Chúng ta có 12 triệu hộ nông dân canh tác trên diện tích đất bình quân rất thấp khoảng 0,3 ha. Đây là một trong những rào cản lớn để chúng ta hình thành một nền nông nghiệp tập trung hiệu quả, bền vững.

- Thứ 2, đó là biến đổi khí hậu ở nước ta đang diễn ra nhanh hơn cả kịch bản dự báo, trong khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất bởi hiện tượng này. Diễn biến sáu tháng đầu năm 2016 đã biểu hiện rất rõ điều này, hầu như toàn bộ các vùng lãnh thổ Việt Nam chịu biến đổi khí hậu trong đó đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, cũng như miền núi phía Bắc. Thách thức này không chỉ làm toàn bộ cơ cấu sản xuất mà còn làm đảo lộn đời sống của người dân đặc biệt là bà con ở vùng sâu vùng xa.

- Thứ 3, đó là hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong đó có nông nghiệp rất sâu rộng. Hiện sản phẩm nông nghiệp của nước ta đã đi 180 nước và vũng lãnh thổ. Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường thì có cả thách thức, đó là, nông nghiệp nước ta kể cả về chất lượng trong chuỗi giá trị đến an toàn đều đối mặt với những thách thức rất lớn.

Đề cập đến kế hoạch hành động ngay khi bắt tay thực hiện vị trí mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xác định:

- Đầu tiên đó là an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề nóng hổi, bức xúc của toàn thể nhân dân, toàn bộ xã hội. Bằng tất cả các biện pháp tổng hợp, chúng ta cần phải tập trung vào giải quyết cho được.

- Thứ hai là cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục ba thách thức mà tôi vừa trình bày, một là hộ nhỏ lẻ manh mún, hai là biến đổi khí hậu, ba là vấn đề hội nhập.

 

- Bên cạnh đó là chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua chúng ta đã có được một kết quả rất tốt, 22% số xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhưng tôi cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu vì trong 22% số xã đạt 19 tiêu chí thì vẫn còn có những tiêu chí rất bản chất như thúc đẩy sản xuất, vấn đề môi trường, an sinh...còn chưa bền vững. Đồng thời, khu vực còn lại là 78% số xã, thì phần này lại là những xã hết sức khó khăn, đa phần là ở vùng sâu vùng xa miền núi. Chúng ta cần phải tập trung vào đó để làm sao nông nghiệp, nông dân ta phát triển, để cho vùng sâu vùng xa ngày càng không có khoảng loãng so với đồng bằng.​

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Tóm tắt tiểu sử:

Ông Nguyễn Xuân Cường, sinh ngày 14 tháng 10 năm 1959 tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.

Ngày vào Đảng: 06/8/1986;

Ngày chính thức: 06/8/1987;

Chuyên môn nghiệp vụ: Kỹ sư Nông nghiệp;

Học hàm, học vị: Tiến sỹ Nông nghiệp;                                

Lý luận chính trị: Cao cấp;

Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá XI, XII;

Đại biểu Quốc hội khóa 

Quá trinh công tác;

Từ tháng, năm đến tháng, năm

Chức danh, chức vụ, đơn vị công tác (Đảng, Chính quyền, Đoàn thể)

Từ 01/1983- 3/1985

Công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây

Từ 4/1985- 6/1988

Phó Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây

Từ 7/1988- 3/1991

Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật cây trồng huyện Đan Phượng (do sát nhập từ 02 Công ty Bảo vệ thực vật và Công ty Vật tư nông nghiệp)

Từ 4/1991 -3/1994

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây

Từ 4/1994- 6/1995

Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tây

Từ 7/1995-7/1996

Trưởng phòng kỹ thuật Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Hà Tây

Từ 8/1996- 8/1997

Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tây

Từ 9/1997- 11/2002

Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Hà Tây

Từ 11/2002 - 7/2004

Bí thư huyện uỷ huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây

Từ 8/2004- 6/2006

Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây

Từ 6/2006-7/2008

Chủ tịch  Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây

Từ 8/2008 - 5/2010

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Từ 5/2010 - 01/2011

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn

Từ 01/2011-01/2013

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn

Từ 01/2013-12/2015

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương

Từ 12/2015 – 7/2016

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn

Từ 7/2016

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

 

Văn phòng Điều phối tỉnh (tổng hợp)