Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

6731
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 14:14 05/12/2017
Đẩy mạnh các giải pháp “phi tài chính” trong xây dựng nông thôn mới
Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập để xóa đói giảm nghèo l
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung triển khai các giải pháp "phi tài chính" để nâng cao chất lượng và thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 23/104 xã trong Chương trình NTM đạt chuẩn, chiếm 21,2%. Về các tiêu chí NTM có 23 xã đạt 19 tiêu chí (21,2%), 28 xã đạt 15 -18 tiêu chí (26,92%), 47 xã đạt 10 -14 tiêu chí (45,19%), không có xã đạt dưới 7 tiêu chí; bình quân đạt 14,44 tiêu chí/xã. Năm 2017, Thừa Thiên Huế có 14 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, trong đó 10 xã có khả năng về đích đúng hạn vào cuối năm 2017 gồm: xã Phú Vinh, huyện A Lưới; Vinh Mỹ, Lộc An và xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc; xã Điền Hải, huyện Phong Điền; xã Hương Bình và Hương Toàn, thị xã Hương Trà; xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; xã Phú An, huyện Phú Vang; xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. 

Còn lại 4 xã là Quảng Phước (Quảng Điền), Phú Hải (Phú Vang), Thượng Quảng và Thượng Nhật (Nam Đông) sẽ khó về đích vào cuối năm 2017 do còn gặp khó khăn ở các tiêu chí: Hộ nghèo, tổ chức sản xuất, Môi trường và an toàn thực phẩm và các tiêu chí nhóm hạ tầng kinh tế xã hội cần huy động nguồn lực đầu tư cao.

Tại xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền), tính đến tháng 10/2017, Quảng Phước đã đạt được 16 tiêu chí. Tuy nhiên có 1 số tiêu chí chỉ mới đạt ở mức độ tối thiểu và cơ bản. Còn 3 tiêu chí về hộ nghèo, trường học, văn hóa chưa đạt. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho biết, trong những năm qua, địa phương đã triển khai có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là việc tiếp nhận, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các ban ngành và các tổ chức đối với hộ chính sách, hộ nghèo.

Trong năm 5 qua, Quảng Phước đã huy động được 0,72 tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển sản xuất tăng thu nhập, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 13,1% năm 2016 xuống còn 11,7% (221 hộ) năm 2017. Tuy nhiên nếu phân loại đối tượng hộ nghèo thuộc đối tượng được bảo trợ xã hội (101 hộ) thì xã Quảng Phước còn 120 hộ (6,72%). Để đạt tiêu chí này, địa phương cần giảm thêm 1,72%, tương đương giảm thêm 32 hộ nghèo.

Cũng theo bà Hiền, hiện nay tỷ lệ người lao động trong độ tuổi lao động tại Quảng Phước có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của xã.

Thừa Thiên Huế sẽ tập trung vào các giải pháp "phi tài chính" trong xây dựng NTM

Nhìn chung, không chỉ riêng Quảng Phước mà hầu hết các địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện lồng ghép các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình việc làm vào Chương trình xây dựng NTM.

Về nguồn lực xây dựng NTM, thời gian qua, việc huy động nguồn lực do dân đóng góp tại Thừa Thiên Huế đạt được nhiều kết quả. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư và lồng ghép bằng nhiều nguồn vốn. Toàn tỉnh đã huy động được hơn 1.250 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình; trong đó, vốn ngân sách hơn 223 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình gần 389 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 33 tỷ đồng, vốn đóng góp cộng đồng dân cư gần 50 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong thời gian qua, bộ mặt nông thôn tại Thừa Thiên Huế có nhiều thay đổi; hạ tầng cơ sở vật ngày càng thay đổi theo hướng tích cực; đời sống người dân được cải thiện,....

Tuy nhiên, mới đây, theo đánh giá của BCH Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội nghị lần thứ 9, khóa XV, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu chững lại. Một số địa phương xem Chương trình như một dự án đầu tư nên nặng về đầu tư cho các tiêu chí “cứng” chưa quan tâm đến các chỉ tiêu “mềm” như: An toàn thực phẩm, văn hóa, giáo dục, xây dựng Đảng, chính quyền...Việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí còn lúng túng, có địa phương tự thỏa mãn với kết quả vừa đạt được.

Thời gian tới, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung chỉ đạo vào các giải pháp "phi tài chính" để nâng cao chất lượng và thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí NTM về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...Qua đó, để chương trình xây dựng NTM đi vào thực chất, đúng với mục tiêu của xây dựng NTM là phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng NTM "xanh, sạch, đẹp và bình yên".

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động và linh hoạt trong xây dựng và thực hiện các tiêu chí NTM; nhất là một số tiêu chí có thể ghép thực hiện liên xã nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí và phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế NTM như Chợ liên xã, Nghĩa trang liên xã, Trạm xá liên xã, HTX và Tổ hợp tác. Bên cạnh đó, thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong công tác giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí NTM ít tốn kém nguồn lực.

VPĐP NTM