Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

3007
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 09:57 25/03/2016
Thừa Thiên Huế : Trồng rau VietGAP- vẫn còn khó khăn
Trồng rau sạch ở Quảng Thành, Quảng Điền - Ảnh PQ
Nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thừa Thiên Huế đang đối mặt với nhiều khó khăn do nông sản sạch bí đầu ra, nhất là các sản phẩm rau sạch.

Khó đầu ra

Xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) là một trong những địa phương đi đầu ở Thừa Thiên- Huế về phát triển mô hình trồng rau an toàn với hơn 20ha rau được sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, người trồng rau sạch nơi đây đang đứng trước nguy cơ phải quay lại với hình thức sản xuất rau theo kiểu truyền thống bởi tiêu thụ gặp khó khăn.

Trồng rau sạch ở HTX Nông nghiệp Quảng Thành, huyện Quảng Điền  - Ảnh: Phạm Quyền

 

Ông Trần Cư - một trong những hộ dân trồng rau sạch ở Quảng Thành cho biết, rau của gia đình ông trồng theo quy trình VietGAP nên năng suất thấp, tốn rất nhiều chi phí đầu tư và công sức chăm sóc trong khi việc tiêu thụ rất khó khăn.

 

“Rau của gia đình tôi chỉ được doanh nghiệp thu mua một phần, còn lại đều phải bán ở chợ với giá giống như rau “bẩn” nên gần như không có lãi. Cứ đà này, tôi sẽ phải từ bỏ việc trồng rau sạch”- ông Cư nói. Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Cư là nhiều hộ dân trồng rau sạch khác ở Quảng Thành.

Gần đó, vựa rau sạch Quảng Thọ (Quảng Điền) cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhiều năm qua, 244 hộ xã viên của Hợp tác xã Quảng Thọ 2 trồng 40ha rau má theo quy trình VietGAP nhưng chỉ có khoảng 20% sản lượng rau được hợp tác xã thu mua.

 

Do phần lớn sản lượng rau đều phải bán ở chợ hoặc qua thương lái nên giá chỉ ngang bằng rau má được sản xuất theo kiểu truyền thống.

"UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan ban ngành liên quan thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản sạch kết nối với các nhà phân phối lớn, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bền vững”.

Ông Phan Ngọc Thọ

 

Cần kết nối với doanh nghiệp


Vấn đề cần kíp hiện nay là phải hình thành nên chuỗi cung ứng nông sản sạch với sự tham gia của các doanh nghiệp. Cụ thể, để đảm bảo đầu ra cho nông sản sạch ở tỉnh thì phải có doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống các cửa hàng nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm sạch, người tiêu dùng có điểm đến mua. 

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phạm Thị Minh Huệ cho biết, Hội Nông dân tỉnh sẽ làm cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản sạch. Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh sẽ kết nối những hộ dân có đất sản xuất, có kinh nghiệm, điều kiện đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về nông sản sạch.

 

Theo ông Phan Ngọc Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch nhằm là chủ trương lớn của tỉnh, cần được quan tâm và chỉ đạo thực hiện trong thời gian đến.

 
 
Hội Nông dân tỉnh