Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

141
+ aa -

Chính sách nông thôn mới

Cập nhật lúc : 20:16 29/06/2022
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong xây dựng nông thôn mới.
Đó là một trong những phương châm nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế tgóp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững đạt kế hoạch theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là một Chương trình phát triển kinh tế xã hội nông thôn tổng hợp nhằm  thực hiện Nghị quyết 26/TW về “ Nông nghiệp, nông thôn và nông dân với phương châm người dân làm chủ thể. Sau 11 năm (2010-2021) thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân,  đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả như sau:

- Hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc; toàn tỉnh đã huy động được một nguồn lực khá lớn với 9.149,9 tỷ đồng, trong đó có nguồn lực đáng kể từ người dân, doanh nghiệp, để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

- Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng khá; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể; Một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh như: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT, Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nước hợp vệ sinh, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn,… đều tăng đáng kể.

- Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư; chăm sóc y tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện cả về lượng và chất. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh – sáng - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng phát huy hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.

- Về thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình: dự kiến đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 63/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới (67%); số tiêu chí bình quân đạt 17,37 tiêu chí/ xã; không còn xã dưới 8 tiêu chí. Về cấp huyện, có thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới.

Có được sự thành công này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà: Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và địa phương đã chủ động tham gia, vận động, tuyên tuyền và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. nổi bật đó là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, mô hình "Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, trật tự trị an" theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về việc mở cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng, xanh, sạch, đẹp, không rác thải", phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Ánh sáng nông thôn mới”… của Tỉnh đoàn; chương trình “ Chung sức giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” của Lực lượng vũ trang Tỉnh, “Giúp nhau phát triển kinh tế” của Hội Cựu chiến binh,..

Nhiều địa phương đã sáng tạo cách làm mới trong tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, lễ phát động “Ngày nông thôn mới” được thực hiện thường xuyên của huyện A Lưới làm cho ngày nông thôn mới trở thành ngày hội thực sự của địa phương.

Đặc biệt phong trào Ngày Chủ nhật Xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”  do UBND tỉnh phát động đã thực sự lan tỏa trên địa bàn toàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn, hòa chung trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp... như tiêu chí nông thôn mới đã đề ra.

Theo đó, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện qua:

Tham gia xây dựng nông thôn mới của địa phương ngày từ khâu góp ý kiến xây dựng quy hoạch, lập đề án, chương trình xây dựng nông thôn mới từng giai đoạn của địa phương; Công tác lập kế hoạch có sự tham gia của người dân (Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT và Thông tư số 05/2017/TT-BKHĐT về công tác lập kế hoạch 5 năm và hàng năm các chương trình MTQG); Thành lập tổ giám sát cộng đồng giám sát việc thực hiện các công trình đầu tư trên địa bàn các xã; Thông qua cơ chế đặc thù, bước đầu nhiều cộng đồng đã thực hiện xây dựng một số công trình đặc thù có kết cấu đơn giản, không phức tạp như giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng…

Đặc biệt trong điều kiện còn khó khăn nhưng nguồn lực do người dân đóng góp, tham gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả đáng kể. Trong hơn 10 năm qua người dân đã đóng góp tiền, đất đai, hoa màu, ngày công trị giá 660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 6% tổng nguồn lực thực hiện Chương trình. Trong đó có 429,6 ha đất và hơn 484.300 ngày công được đóng góp để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hoá thôn,... ( một số điển hình, ở Quảng Điền như Ông Nguyễn Bí ở Quảng An xây dựng nhà văn hóa 3 tỷ đồng được TTg CP tặng bằng khen,...)

-----------------------------------

Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thônsau gần 15 năm thực hiện. Ban Chấp hành Trương ương đã ban hành Nghị quyết Số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đó tiếp tục khẳng định:

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế,… Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"”.

Trong đó “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”; Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Dù dưới tên gọi nào, thì mục tiêu, nội dung, đích hướng tới của phong trào cũng là việc góp phần sớm hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước.

Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc”, Theo đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tập trung đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh",“Nông thôn mới - Tư duy mới - Cách làm mới”; “Xây dựng Nông thôn mới bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Xây dựng nông thôn mới “ Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; Xây dựng nông thôn mới “ Hiệu quả chất lượng và bền vững”,…phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa.

Theo tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI đã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong 06 chương trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, thực sự trở thành những vùng quê đáng sống. Góp phần tích cực sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy để Phát huy vai trò “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn tới cần đây mạnh thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là,  tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đi vào chiều sâu nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” để làm cơ sở huy động sự vào cuộc của người dân. Từ đó mới có những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo người dân, sự đóng góp công sức, trí tuệ và nguồn lực từ xã hội để thực hiện Chương trình; Tăng cường các công trình xây dựng theo cơ chế đặc thù nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới cũng như tăng thu nhập của người dân, giảm nghèo bền vững.

Hai là,  Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường phát huy vai trò kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, nhất là trong giám sát thực hiện các cơ chế, chính sách về xây dựng NTM

Ba là, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện tăng cường phối hợp chặt chẽ, nắm tình hình, những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, cũng như những khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡi, giải quyết không để xảy ra điểm nóng tại cơ sở;

Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện và tháo gỡ khó khăn; thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí, kịp thời khen thưởng những tấm gương điển hình trong sản xuất, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nhằm góp sức lan tỏa trong thực hiện Chương trình,.

Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được thời gian qua đối với công tác phát huy dân chủ trong xây dựng NTM, chúng ta tin tưởng rằng thời gian tới việc thực hiện tốt công tác dân chủ trên địa bàn huyện Quảng Điền sẽ góp phần tích cực hơn nữa để huyện sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025./.

Lê Thành Nam – Phó Chánh Văn phòng

Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh