Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

75
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 16:14 19/12/2022
Đoàn Giám sát của Quốc hội sẽ làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Đoàn Giám sát của Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch chi tiết số 345/KH-ĐGS về Giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia).

Xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kế hoạch số 345/KH-ĐGS nêu rõ mục đích của hoạt động giám sát chuyên đề nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp, lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.

Phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo.

Về nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát, Đoàn giám sát căn cứ vào tình hình thực tiễn triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia, Đoàn Giám sát lựa chọn các vấn đề trọng tâm giám sát gồm: Về mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, nguồn lực, địa bàn; chỉ đạo, điều hành, quản lý, cơ chế phối hợp, lồng ghép đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia; Việc xây dựng, ban hành và nội dung các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách, lồng ghép phối hợp để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp; Đánh giá kết quả đạt được giữa kỳ, những vướng mắc và nguyên nhân hạn chế trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm các thành phần dự án, tiểu dự án chính sách. Đối tượng giám sát là Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan; tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kế hoạch số 345/KH-ĐGS cũng phân công, tổ chức công việc cụ thể của Đoàn giám sát. Theo đó, đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát; Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn công tác số I; Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn công tác số II; Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn công tác số III; Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn Giám sát.

Các đồng chí: Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Tổ phó Tổ giúp việc chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác về nhiệm vụ của Tổ giúp việc...

Giám sát tại 11 Bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kế hoạch số 345/KH-ĐGS về Giám sát chuyên đề 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng nêu cụ thể về tiến độ triển khai các hoạt động giám sát. Trong đó, nêu rõ tiến độ xây dựng Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo; tiến độ Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về Đoàn giám sát; thời gian Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn gửi báo cáo kết quả giám sát theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Kế hoạch, trường hợp cần thiết, từ tháng 11/2022 - tháng 8/2023, Đoàn giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ tổ chức hội thảo, tọa đàm, phiên giải trình chức hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia về các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát.

Trong thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 7/2023, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với 11 Bộ, ngành liên quan, trong đó tập trung vào các cơ quan chủ trì chính, gồm: Bộ Nông nghiệp và phát nông thôn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; Ngân hàng Chính sách xã hội. Dự kiến tháng 8/2023, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với Chính phủ về các nội dung của chuyên đề giám sát.

Từ tháng 4/2023 đến tháng 31/7/2023, Đoàn giám sát tổ chức 03 Đoàn công tác đến giám sát trực tiếp tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc lựa chọn các địa phương giám sát dựa trên tiêu chí đại diện vùng miền, mức độ thụ hưởng các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương tiến hành giám sát gồm: Hà Giang, Lào Cai, Gia Lai, Tây Ninh, Trà Vinh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Nam, Sóc Trăng, Điện Biên, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Ninh Thuận.

Kế hoạch số 345/KH-ĐGS nêu rõ: Trên cơ sở tổng hợp báo cáo lần 1 của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Đoàn giám sát có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả bước đầu qua giám sát văn bản vào tháng 4/2023. Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát, Dự thảo Nghị quyết giám sát và Phim tài liệu của chuyên đề giám sát tại phiên họp tháng 9/2023. Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trước ngày 15/10/2023./.

Văn phòng điều phối NTM tỉnh (Tổng hợp)