Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

2307
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 08:56 09/06/2014
Nhiều cơ hội, lắm thách thức - Bài 2: Nông dân cần được hỗ trợ
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng giống mới, gắn kết hoạt động sản xuất với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế.

Cần nhiều nguồn lực     

Ðến thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tập trung, còn ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Mỗi năm có khá nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp được nghiệm thu nhưng sau đó lại lùi vào dĩ vãng, chất đống tại các thư viện, không hề được ứng dụng vào thực tiễn. Mức đầu tư của các mô hình ứng dụng công nghệ này vào sản xuất cao hơn nhiều so với các mô hình thông thường. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp, nhưng hiện đội ngũ này vẫn rất thiếu và yếu.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được xem là cơ sở quan trọng giúp cải thiện nền nông nghiệp. Hoạt động này đang gặp khá nhiều khó khăn làm hạn chế khả năng sáng tạo và đưa các đề tài vào thực tiễn cuộc sống. Là người có 30 năm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Lộc, Trường đại học Khoa học Huế cho biết: Hiện Đại học Huế có 3.525 cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng; trong đó, có 1.907 giảng viên, bao gồm 189 giáo sư và phó giáo sư, 373 tiến sĩ, 1.073 thạc sĩ. Tuy nhiên, Đại học Huế vẫn thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Các nghiên cứu khoa học hiện đa số tập trung vào công tác điều tra, đánh giá, khảo nghiệm hoặc lặp đi lặp lại các nghiên cứu trước đây. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu còn nghèo nàn, thiếu sự phối hợp giữa các nhóm nghiên cứu, cơ chế xét duyệt đề tài và tài chính còn nhiều bất cập. Đó chính là những hạn chế lớn khiến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khó đi vào thực tiễn.
Một yếu tố tạo nên sự thành công cho các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp là sự liên kết “4 nhà” từ khâu triển khai, ứng dụng lẫn tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các mối liên kết tự nguyện trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa nông hộ với doanh nghiệp, tổ chức khoa học. Đây là những việc làm quan trọng để các tiến bộ KHCN thâm nhập và đi vào cuộc sống một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Một mô hình thể hiện hiệu quả và tập trung cho sự liên kết ấy là mô hình cánh đồng mẫu giống lúa chất lượng cao đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ông Châu Quang Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh, cho biết: Mô hình này đã tạo nên sự gắn kết giữa nông dân với nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp từ vấn đề chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn và bao tiêu sản phẩm. Hiệu quả của nó được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thực tế rất ít mô hình tạo được mối liên hệ gắn kết như vậy. Đó là khó khăn lớn cho định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ta hiện nay.

Thông tin liên quan:

<< Nhiều cơ hội, lắm thách thức - Bài 1: Những mô hình hiệu quả

 
Hậu chuyển giao vẫn nhiều vướng mắc
Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp vẫn mang tính nửa vời. Ban đầu, khi thực hiện dự án hoặc chương trình chuyển giao, các cán bộ thường xuyên theo dõi nắm bắt những khó khăn của người dân, đưa ra hướng giải quyết phù hợp, vì vậy hiệu quả trong thời gian này rất tốt. Sau khi dự án hoàn thành, người dân không còn mặn mà với việc ứng dụng những tiến bộ này vào sản xuất. Ví như dự án “Sử dụng chế phẩm EM và Bokashi trầu trong nuôi tôm sú tại các hồ nuôi tôm bị ô nhiễm ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền”. Dự án này giới thiệu đến người dân kỹ thuật nuôi tôm góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi ở khu vực đầm phá, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, sau khi dự án này kết thúc, người dân lại không còn mặn mà với việc sử dụng các chế phẩm này. Theo lý giải của ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Quảng Điền: Nguyên do là bởi giá thành của những chế phẩm này khá cao, việc mua chế phẩm này cũng khá khó khăn. Do đó, họ chấp nhận mạo hiểm chứ không tiếp tục sử dụng chế phẩm này trong mỗi vụ nuôi. Vấn đề đặt ra ở đây là sau khi chuyển giao xong một quy trình kỹ thuật, nông dân vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước và các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc duy trì, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật đó vào sản xuất.
Bài, ảnh: Hoàng Loan