Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

2111
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 08:21 31/08/2015
Thừa Thiên Huế được công nhận phổ cập cho trẻ 5 tuổi
Đó là ý kiến kết luận của đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 27/8 về công tác kiểm tra, công nhận phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh có 207 trường mầm non, gồm 189 trường công lập và 18 trường tư thục; có 51 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 24,6%, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; số trường đạt kiểm định chất lượng từ cấp độ 1 trở lên 96/207 trường đạt tỷ lệ 46,3%. Tổng số có 1.867 nhóm, lớp; bao gồm 440 nhóm trẻ và 1.427 lớp mẫu giáo, trong đó có 585 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở độ tuổi nhà trẻ: 12.343/45.330 trẻ, đạt 27,2%, độ tuổi mẫu giáo: 41.954/49.612 trẻ, đạt 84,6 %, riêng MG 5 tuổi: 17.194/171.300 đạt 99,15%; trẻ được tổ chức học 2 buổi/ ngày đạt 99,94%. Toàn tỉnh có 100% nhóm, lớp thực hiện chương trình GDMN theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức học 2 buổi/ngày; 100% nhóm, lớp có con em dân tộc thiểu số được thực hiện chương trình GDMN cho trẻ em vùng khó, được chú trọng tăng cường tiếng Việt; 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Năm học 2014 – 2015 tỉ lệ huy động 5 tuổi ra lớp đạt 99,15%, trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới đạt 100%, tăng 0,9%; số trẻ được tăng cường tiếng Việt chuẩn bị tâm thế trước khi vào lớp 1 là 987/987, đạt 100%; tỉ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 3,66% và thể thấp còi chiếm 3,5%.

Tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra Bộ GDĐT

 

Sau 5 năm thực hiện Đề án phổ cập GDMN, ngành học mầm non của tỉnh đã phát triển nhanh về quy mô trường lớp, số lượng trẻ. Tổng số phòng học mẫu giáo 5 tuổi là 585 phòng, trong đó gần 400 phòng học kiên cố và 190 phòng học bán kiên cố. Số phòng học đạt yêu cầu theo quy định của Điều lệ là 585 phòng; 585 lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với tin học; 100% các cơ sở giáo dục mầm non có cảnh quan môi trường an toàn, xanh, sạch, đẹp; có nguồn nước sạch và hệ thông thoát nước; có nhà bếp; công trình vệ sinh đủ và đạt yêu cầu; sân chơi có đồ chơi ngoài trời….

Một số hoạt động phổ cập GDMN

Cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng…Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc kế hoạch của UBND tỉnh về phổ cập CGDMN 5 tuổi, tập trung bố trí nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn kiên cố hóa trường học, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ phi Chính phủ; nguồn trái phiếu chính phủ; nguồn chống bão lụt…. đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, trang cấp trang thiết bị dạy học cho ngành học mầm non, trong đó ưu tiên xây dựng phòng học và trang cấp bộ đồ dùng tối thiểu cho các lớp 5 tuổi. Trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã đầu tư cho xây dựng phòng học, phòng chức năng, mua thiết bị tối thiểu và thiết bị nội thất dùng chung cho GDMN với tổng kinh phí khoảng 656 tỷ đồng.

 

Kết thúc năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 658 trường mầm non, trong đó có 9 trường mầm non tư thục và gần 650 trường mầm non công lập với tổng số trẻ mầm non đến trường là 184.283 trẻ, trong đó trẻ 5 tuổi là hơn 51.000 trẻ, đạt 99,7%. Số trường tổ chức bán trú là 622/658 trường đạt tỉ lệ 94,5; 636/637 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN, đạt tỷ lệ 99,8%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng, nhẹ cân giảm còn 5,5%. Cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng…


Phát biểu tại buổi kết luận, Nguyễn Bá Minh- Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non nghi nhận những thành tích mà tỉnh đã đạt được trong công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Ông cũng cho biết, tỷ lệ  phòng học kiên cố, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, số phòng học kiên cố còn thấp, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Do vậy, ông mong muốn, tỉnh TT- Huế phải  tập trung đầu tư để nâng cao tỷ lệ này trong thời gian tới. Đồng thời, nên điều chỉnh  lại phân cấp quản lý tài chính giáo dục, tăng tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn; rà soát thực hiện kịp thời chế độ chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non và cho trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập…

 

Sau buổi làm việc này, Đoàn sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục của Bộ GD&ĐT và trình lên Bộ GD&ĐT ra quyết định công nhận tỉnh Thừa Thiên- Huế đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015.


Anh Khánh (Sở GiÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO)