Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

195
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 10:12 17/06/2021
Huyện Phú Vang đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025
Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Phú Vang, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định là tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa bàn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, quyết tâm xây dựng huyện Phú Vang đạt chuẩn nông thôn mới.

Phá huy tiềm năng biển và đầm phá

Phú Vang là huyện vùng đồng bằng ven biển, đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kể từ ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27 tháng 4 năm 2021 của UBTV Quốc Hội có hiệu lực, các xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An được nhập vào thành phố Huế thì huyện Phú Vang có 235,39 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 137.962 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và 01 thị trấn (Phú Đa). Huyện Phú Vang giáp huyện Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế và Biển Đông.
 
 Phú Vang có bờ biển trãi dài với các bãi tắm nổi tiếng như Phú Thuận, Vinh Thanh, Phú Diên… cùng với hệ đầm phá rộng lớn được xem là những tiềm năng và lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch - dịch vụ cũng như kinh tế biển và đầm phá của huyện. Trên địa bàn huyện Phú Vang có quốc lộ 49B chạy dọc ven biển, Tỉnh lộ 10A, 10B, 10C và các tuyến giao thông nối các tỉnh lộ với quốc lộ tạo thành một hệ thống đường giao thông hợp lý, thuận lợi cho giao lưu trong nội bộ huyện và với bên ngoài. Bên cạnh đó, với việc sở hữu nhiều diện tích đầm phá trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Phú Vang còn có thế mạnh để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Với lợi thế về biển và đầm phá, Phú Vang đã từng bước phát huy được tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hiện các xã ven biển và đầm phá của huyện đã trở thành vùng phát triển dịch vụ - du lịch mạnh của tỉnh. Công tác quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị được chú trọng, từng bước hình thành các đô thị mới như Phú Đa, Vinh Thanh, Phú Mỹ, góp phần nâng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện ngày càng cao.

03 Chương trình trọng điểm

Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Phú Vang sẽ tập trung nguồn lực thực hiện đột phá vào 03 Chương trình trọng điểm: Chương trình phát triển kinh tế biển và đầm phá (trọng tâm là phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch); Chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; Chương trình phát triển nguồn nhân lực. Đây là những chương trình nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 69-CTr/TU, ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025.

Với mục tiêu xây dựng Phú Vang thành địa bàn phát triển kinh tế biển và du lịch - dịch vụ hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm qua, huyện Phú Vang đã tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế; nhất là phát huy thế mạnh của vùng ven biển, đầm phá để phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực như  dịch vụ - du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông và ngư nghiệp gắn với làng nghề truyền thống chế biến nông sản...

Hiện trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Phú Đa với gần 10 doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó Phú Vang còn là nơi có các dự án lớn về du lịch đang triển khai như dự án Khu du lịch của Tập đoàn BRG; của Tập đoàn PSH (Tây Ban Nha) tại xã Vinh Xuân - Vinh Thanh - Vinh An... và các bãi tắm như: Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh được đầu tư, tạo nhiều thuận lợi cho du lịch biển và dịch vụ phát triển.

Về phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch sẽ tập trung quy hoạch và rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các trục đường kết nối giữa các vùng, địa phương cho phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng quản lý quy hoạch hình thành khu đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản quốc gia trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư các trục giao thông kết nối, liên kết vùng, khu công nghiệp như mở rộng Quốc lộ 49B, đường Tỉnh 10A, đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cầu qua phá Tam Giang (nối Tỉnh lộ 3 và Quốc lộ 49B). Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoàn thiện kết cấu hạ tầng các bãi tắm Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh An...

Về phát triển kinh tế, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh theo định hướng thị trường. Về sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2020-2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Phát triển ổn định kinh tế biển, thông qua khai thác hải sản xa bờ để nâng cao chất lượng sản phẩm đánh bắt thủy sản. Tăng cường nguồn lực đầu tư để phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu đối với các xã đã công nhận nông thôn mới./.