Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

695
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 11:04 26/12/2021
Vai trò của công tác Dân vận trong xây dựng nông thôn mới ở Hương Trà
Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hương Trà đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đến cuối năm 2020, có 5 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Những kết quả đó cho thấy, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân ở Hương Trà.

Thị xã Hương Trà nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế có 15 đơn vị hành chính, gồm 07 phường và 08 xã; diện tích tự nhiên 5.853ha, dân số hơn 130.000 người. Đảng bộ thị xã có 39 TCCS đảng trực thuộc với 3.776 đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kể từ ngày 01/7/2021, Hương Trà có 06 xã, phường sáp nhập vào thành phố Huế. Hiện nay, thị xã Hương Trà có 9 đơn vị hành chính gồm 5 phường, 4 xã với diện tích tự nhiên 392,32 Km2, dân số hơn 65.000 người; Đảng bộ thị xã hiện có 32 tổ chức cở sở Đảng trực thuộc (trong đó 17 đảng bộ và 15 chi bộ) với tổng số đảng viên là 2.789. Trong 04 xã còn lại của Hương Trà  có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Hương Bình và Hương Toàn.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, thực hiện tốt công tác dân vận là góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Vận dụng tư tưởng của người, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể các cấp ở Hương Trà đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt và đạt kết quả cao trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nổi bật là thị xã Hương Trà đã tập trung làm tốt công tác vận động nhân dân hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đã vận động nhân dân góp ngày công, góp sức, đóng góp bằng tiền hiến đất xây dựng, mở rộng hệ thống đường giao thông ở các thôn; vận động nhân dân xây mới, chỉnh trang nhà cửa theo quy hoạch, xây dựng con đường tự quản xanh - sạch - đẹp.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, người dân đã đóng góp 45.139 ngày công trị giá 4.460 triệu đồng; hiến 16.284m2đất, tháo dở 10.578 mét tường rào, hàng rào cây xanh; di chuyển và phá bỏ 119.715 cây trồng các loại… Vận động đoàn viên, hội viên gương mẫu, làm nòng cốt phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình, vận động nhân dân đầu tư, thâm canh cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc... Tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở vào cuộc, cùng với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên theo hướng gần dân, sát dân, phát huy tính chủ động, năng động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy dân chủ, huy động sức mạnh, nguồn lực trong Nhân dân để đóng góp cho sự nghiệp chung của cộng đồng dân cư đã giúp cho người dân thay đổi cách nghĩ, không ỷ lại vào Nhà nước, chủ động tự lực, tự cường, tự chủ trong sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.

 Hằng năm, UBND thị xã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhằm phát triển nông thôn toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đến an ninh trật tự; tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, nhiều nội dung thiết thực để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương và mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân quản lý và dân hưởng thụ”, nhất là xác định vai trò to lớn của người dân làm chủ lực và là người thụ hưởng trong xây dựng Nông thôn mới; nhờ vậy đã phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tự giác, tạo niềm tin cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, xây dựng chuyên mục nông thôn mới phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thị xã. Đã thực hiện hơn 2.000 tin phát thanh, 700 phóng sự phát thanh, 120 tin truyền hình và 60 phóng sự truyền hình… để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, công khai các công trình, dự án trên địa bàn thị xã để người dân biết và tham gia xây dụng, giám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Với những cách làm đó, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã đã mang lại những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đến cuối năm 2020, Hương Trà có 05 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (xã Hương Vinh, Hương Phong, Hải Dương,Hương Bình, Hương Toàn; Sau khi  3 xã Hương Vinh, Hương Phong, Hải Dương  sáp nhập vào thành phố Huế. Hiện nay, Hương Trà có 2/2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.  Bình quân đạt 17,9 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh 16,78 tiêu chí/xã. Đặc biệt trong bối cảnh chung nhiều địa phương có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới thì thị xã Hương Trà cơ bản không có nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã Hương Trà trong thời gian qua, để phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia góp ý đối với chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, thị xã tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, mục đích chương trình, giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động, làm cho từng người dân tự giác chỉnh trang nhà cửa, sân vườn cổng ngõ… góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự giác, nhiệt tình, tích cực với tư cách là chủ thể theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Phải làm cho người dân thấy được, hiểu được lợi ích thiết thực từ việc làm của mình - họ làm cho chính mình. Từ đó người dân tự đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Có thể nói, nhờ làm tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động tích cực đến việc vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, duy trì và giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và từng bước tạo diện mạo nông thôn Hương Trà đang ngày càng khởi sắc.

CTV