Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

2141
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 10:06 23/12/2013
Hương Phong, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Hương Trà
(TTH) - Là xã thuần nông, Hương Phong bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bằng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và từng người dân. Đến nay, Hương Phong đạt được 13/19 tiêu chí và trở thành điểm sáng của Hương Trà trong phong trào XDNTM.

 

Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng
 
Vân Quật Thượng là thôn điển hình của Hương Phong trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Những con đường mới được xây dựng, đường làng ngõ xóm được người dân vệ sinh sạch sẽ, hàng rào bờ dậu được cắt tỉa tạo nên sự gọn ghẽ từ trong nhà đến ngoài ngõ. Anh Phan Văn Phước, người dân thôn Vân Quật Thượng khoe: Mặc dù đa số tuyến đường thôn, xóm trên địa bàn đều đã được cứng hóa, nhưng do nằm ở vùng thấp trũng nên nhiều nơi bị lún sụt, cứ hễ có mưa là ngập úng. Nhưng từ khi có chủ trương XDNTM, người dân trong thôn đã tích cực góp công, góp của bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Ngay như xóm tôi ở đây, phát huy tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con đã vận động nhau góp ngày công và tiền bạc (mỗi hộ gần 1 triệu đồng) xây dựng, nâng cấp đường vào ngõ xóm có chiều dài 280m, rộng 2,5m với tổng kinh phí trên 50 triệu đồng”.
 

 

Mô hình nuôi ếch mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương

 

 
Sau khi Hương Phong được thị xã Hương Trà “bổ sung” vào danh sách các địa phương được chọn làm điểm XDNTM (cùng với Hương Toàn), nhân dân Hương Phong phấn khởi coi đây là cơ hội để đổi thay. Các chi bộ Đảng, chính quyền thôn đều phấn đấu vì mục tiêu hoàn thành các tiêu chí XDNTM. “Trọng tâm là nâng cấp cơ sở hạ tầng tạo diện mạo mới cho xã nhà”, ông Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong nhấn mạnh. Các công trình giao thông nông thôn được nâng cấp, xây dựng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân. Trên 80% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Vận động người dân chỉnh trang nhà cửa, tường rào và cải tạo vườn tạp để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp cho khu dân cư. Tổ chức thu gom và quy hoạch các điểm tập kết, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ thống điện lưới Quốc gia đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. 100% số hộ dân dược sử dụng nước sạch. Đặc biệt, khu chợ chính của xã vừa được xây mới trên diện tích gần 4.400m2 tại thôn Vân Quật Đông, là đầu mối kinh doanh thương mại cho địa phương và các xã lân cận.
 
Nghị quyết hàng năm của Hương Phong đều tập trung cho việc đảm bảo kênh mương thủy lợi, tưới tiêu để góp phần ổn định sản xuất. Trên địa bàn xã hiện có 6 trạm bơm, gồm 3 trạm bơm tiêu (vừa tiêu, vừa tưới) và 3 trạm bơm tưới. Dự kiến, năm 2014, xã tiếp tục đầu tư thêm 2 trạm bơm điện để phục vụ sản xuất. Thực hiện chương trình XDNTM, thời gian qua xã cũng hoàn thành đề án quy hoạch và triển khai xây dựng một số hạng mục công trình. Một số thôn cũng đã triển khai chỉnh trang nhà cửa, xây dựng cổng chào, bê tông hóa đường làng ngõ xóm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại giống mới vào sản xuất…
 
Nâng cao hiệu quả sản xuất
 

 

“Bên cạnh những thuận lợi, Hương Phong vẫn còn một số khó khăn để đạt lộ trình XDNTM, như: Hệ thống giao thông đã xuống cấp, cần sớm được cải tạo, nâng cấp; cơ sở thiết chế văn hóa có nhưng chưa đảm bảo; cơ sở giáo dục còn thiếu; kênh mương thủy lợi mới chỉ kiên cố trên 80%... Ông Nguyễn Văn Lâm tự tin: “Tuy khó, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế trên để “về đích” XDNTM đúng kế hoạch đề ra”

 

Ông Trần Viết Chức, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng, xã Hương Phong chú trọng đầu tư phát triển nền nông nghiệp toàn diện, tạo ra số lượng hàng hoá lớn đảm bảo chất lượng và sức cạnh tranh cao”. Hương Phong được xem như “vựa lúa” của Hương Trà với diện tích trồng lúa gần 500ha lúa 2 vụ. Theo đó, xã từng bước đưa các giống lúa mới (nếp lai và gạo huyết rồng) vào gieo cấy thử nghiệm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Chuyển đổi một số vùng trồng lúa truyền thống bị nhiễm mặn (20ha) thành mô hình xen canh cá-lúa cho kết quả khả quan. Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được xem là ngành thế mạnh của xã bằng cách đưa các đối tượng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh; với các loài được nuôi như tôm sú, cá nước lợ, cá lồng, cá nước ngọt. Riêng nuôi tôm (trên 200ha) theo phương thức bán thâm canh và quảng canh. Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản đồng thời phát triển các ngành công nghiệp chế biến để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát triển thương mại và dịch vụ để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả. 
 
Hương Phong là xã vùng trũng thường chịu ảnh hưởng trong mùa bão lũ nên tăng cường đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Xã sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động và có chính sách khuyến khích nhân dân đầu tư mua sắm các phương tiện cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Đến nay, việc cơ giới hóa trên địa bàn mới chỉ đáp ứng khoảng 50% trong sản xuất. Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới xã sẽ phấn đấu cơ giới hóa đạt 90%. Ngoài việc cơ giới hóa trong sản xuất, xã chú trọng cơ giới hóa trong việc phơi sấy, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm tránh thiệt hại do lũ lụt. Xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vay vốn mua sắm các thiết bị, phương tiện cơ giới…
Liên Minh