Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

854
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 14:22 04/09/2020
Nam Đông xây dựng nông thon mới gắn với phát triển sản xuất
Trong định hướng phát triển trồng trọt của huyện Nam Đông giai đoạn 2020 – 2025, Nam Đông đặt ra mục tiêu đạt diện tích khoảng 500 ha cây cam (loại cam đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể cam Nam Đông”) trên cơ sở duy trì, cải tạo diện tích vườn cam hiện có và trồng mới để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Cây ăn quả nói chung và cây cam nói riêng được người dân Nam Đông trồng từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu trồng phân tán, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung, chưa mang tính hàng hóa cao, sản phẩm tạo ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Do đó, giá trị kinh tế còn hạn chế. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây cam, diện tích trồng cam tại Nam Đông liên tục được mở rộng, mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân. Nhiều mô hình trồng cam đạt hiệu quả; một số mô hình có năng suất đạt 20 tấn quả/ha/năm, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm. Bởi, giống cam ở đây có chất lượng vượt trội nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” cam Nam Đông. Thông tin từ ngành nông nghiệp huyện: Hiện cung không đủ cầu. Chính điều này thúc đẩy bà con mở rộng quy mô trồng và nhiều hộ dân ở các xã Hương Hòa, Hương Lộc, Hương Phú trồng từ 0,5- 1,5ha cam. Điển hình là gia đình ông Đặng Trợ ở thôn 6, xã Thượng Quảng, trước đây, gia đình ông trồng nhiều loại cây như mía nguyên liệu, dứa trên diện tích đất 2ha của gia đình, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nhận thấy cây cam phù hợp với đất trang trại nhà mình, khoảng năm 2008 ông quyết định đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số vườn trồng cam trong và ngoài địa phương rồi mua giống cam về trồng. Do phù hợp với đồng đất, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên đến nay 2 ha cam đã cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng trước đây.

Theo Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND huyện Nam Đông xác định cam là một trong những cây trồng chủ lực và xây dựng đề án phát triển cam Nam Đông theo tiêu chuẩn VietGap. Theo tính toán, năng suất bình quân 17,5 tấn/ha, sản lượng 1ha/chu kỳ kinh doanh đạt 140 tấn, tổng sản lượng của dự án trong 1 chu kỳ đạt 56.000 tấn cam quả. Với giá thấp nhất tại vườn là 15 triệu đồng/tấn có doanh thu 1ha cam bình quân 175 triệu/ha/năm, tổng doanh thu 1ha của một chu kỳ 12 năm đạt 2,1 tỷ đồng. Giá trị gia tăng của cây cam cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp. Như vậy, dự án cam sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Để hiện thực hóa thương hiệu “Cam Nam Đông”, trước mắt, huyện sẽ tập trung chuyển đổi diện tích trồng keo trên đất ít dốc có tiềm năng, diện tích cao su đổ gãy nhiều, diện tích cao su già cỗi đến thời kỳ tái canh kém hiệu quả để trồng cam. Huyện sẽ có những giải pháp căn cơ, hướng dẫn bà con sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ViệtGAP, quản lý chặt chẽ qui trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và phân phối tiêu thụ sản phẩm để trái cam đặc sản của địa phương thực sự vươn xa.

Đến nay các địa phương trong huyện đã cơ bản kiến thiết xong vùng trồng cây cam có giá trị hàng hóa cao, tạo tiền đề cho việc khẳng định thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và hướng tới ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu ra các thị trường trong nước và khu vực. Đây là cơ hội tăng thu nhập cho người lao động góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và ổn định đời sống cho hàng chục vạn lao động khu vực nông thôn. Ngoài ra, còn phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng độ che phủ, làm đẹp cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái, thu hút khách du lịch.     

Ðể phát triển cây cam một cách bền vững, song song với việc mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, huyện Nam Đông chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Việc định hướng phát triển cây cam theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần tăng giá trị sản phẩm là hướng đi tích cực của huyện Nam Đông. Cách làm này giúp người dân thay đổi tư duy và nhận thức trong việc phát triển kinh tế vườn đồi, sản xuất quy mô lớn gắn với thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao, loại bỏ cách làm manh mún, nhỏ lẻ kém hiệu quả và tư tưởng mạnh ai nấy làm đã hình thành trong nếp sống của người dân nhiều năm nay. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương trên địa bàn huyện Nam Đông đã bước đầu hình thành các vùng cây cam tập trung nhưng quy mô chưa lớn, diện tích còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, huyện tăng cường công tác quy hoạch, tiến hành rà soát, thống kê diện tích ở các xã, thị trấn để trồng mới và mở rộng diện tích cây cam có giá trị kinh tế cao. Huyện đẩy mạnh công tác dồn đổi ruộng đất, quy hoạch diện tích đất vườn tạp, khuyến khích các hộ dân sản xuất cây cam theo quy mô trang trại hoặc gia trại, tăng cường sự liên kết sản xuất theo phương thức hợp tác xã, tổ hợp tác để nhận được sự hỗ trợ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm cải thiện mẫu mã và chất lượng sản phẩm quả cam Nam Đông đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập”. Việc phát triển cây cam chất lượng tốt, năng suất cao là hướng đi hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển vùng chuyên canh và nền nông nghiệp hữu cơ, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đảm bảo tính bền vững của công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

CTV