Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

854
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 15:09 14/08/2020
Thanh trà Phong Thu phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP
Cây thanh trà cho thu nhập ổn định và được xem là cây chủ lực của xã Phong Thu và đang dần khẳng định thương hiệu OCOP của huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Đến nay, cây thanh trà đã được nhân rộng ở 8 thôn thuộc xã Phong Thu. Do được phù sa dòng sông Ô Lâu bồi đắp hàng năm nên cây thanh trà phát triển khá tốt.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy xây dựng xã Phong Thu thành làng nghề cây ăn quả, với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thực hiện dự án nhân rộng mô hình cải tạo vườn tạp, diện tích cây thanh trà đã được mở rộng nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển nông thôn mới, nguồn vốn khuyến nông...

Mô hình chăm sóc cây thanh trà theo quy trình VietGAP với diện tích thực hiện 5,6 ha/52 hộ tham gia, quy hoạch tập trung ở 2 thôn An Thôn, Trạch Hữu. UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai các nội dung như tập huấn kỹ thuật, thiết kế, xây dựng hệ thống tưới tiêu, cung cấp bao trái. Hướng dẫn hộ chăm sóc, bón phân và phun trừ nhện đỏ, sâu bệnh, bao trái cho quả...

“Với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người tham gia phải ghi chép nhật ký sử dụng phân bón; từ ngày tháng sử dụng, loại, liều lượng phân bón, phương pháp bón phân đều phải ghi chép rõ ràng, nhờ đó quản lý được thời gian cách ly, đảm bảo an toàn khi thu hoạch thanh trà. Từ đó giúp thay đổi tập quán canh tác tùy tiện trước đây của nông dân”, ông Nguyễn Khoa Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết.

“Khi thực hiện mô hình trồng thanh trà VietGAP, môi trường sản xuất an toàn hơn, sản phẩm không để lại dư lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Trần Thanh Viết, chủ hộ trồng thanh trà ở thôn Vân Trạch Hoà cho hay.

Đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững thương hiệu, nhãn hiệu cây thanh trà Phong Thu, UBND xã đã thành lập Câu lạc bộ Thanh trà với số lượng 38 hội viên, với mục đích là tạo diễn đàn cho người nông dân trồng thanh trà trên địa bàn xã giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ nhau sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Phong Thu Nguyễn Hữu Nam cho biết, toàn xã hiện có khoảng 500 hộ trồng thanh trà trên diện tích khoảng 150 ha. Việc trồng cây thanh trà cũng đã mang lại cho bà con nông dân thu nhập ổn định và cao hơn so với nhiều loại cây khác. Tại xã Phong Thu, thường thì người dân trồng khoảng 200 cây/ha và thu hoạch bình quân đạt từ 2 - 3 triệu đồng/cây/năm.

Tuy nhiên, loại cây này cũng hay mắc các loại sâu bệnh, điển hình như: chảy nhựa, sâu đục thân, sâu ăn lá, nhện… Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về cách phòng trừ sâu bệnh trên cây thanh trà cho bà con nông dân, ông Nam cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Tuấn Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho hay, trong tháng 6 và tháng 7/2020 tại xã Phong Thu đã thành lập được 02 hợp tác xã là Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Thanh trà và Hợp tác xã sản xuất Thanh trà. Sự ra đời 02 Hợp tác xã này là dựa trên tình hình thực tế, thể theo tâm tư, nguyện vọng của người dân và đặc biệt là để đa dạng hóa các hình thức kinh tế hợp tác tại địa phương.

“Sự ra đời 02 hợp tác xã nêu trên nằm trong kế hoạch phát triển nâng cấp các sản phẩm nông nghiệp thuần túy. Bên cạnh đó, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân và ngành nông nghiệp huyện đã và đang có sự hỗ trợ để giúp cho các đơn vị chuyên ngành này phát triển”, ông Tuấn cho hay.

“Đối với cây ăn quả có múi điển hình như bưởi, thanh trà, bưởi da xanh… các địa phương đang tập trung phát triển. Phong Thu là 01 trong 05 xã vùng núi và gò đồi của địa phương và có diện tích cây ăn quả mà cụ thể là cây thanh trà là rất lớn, thu nhập từ trồng cây thanh trà mang lại cũng tương đối cao. Vì vậy, việc phát triển cây thanh trà là đúng theo chủ trương của huyện và tâm tư của người dân” dẫn lời ông Tuấn.

Đối với sự phát triển của cây thanh trà tại xã Phong Thu trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết, hiện lãnh đạo huyện và phòng nông nghiệp huyện đã tham mưu cho tỉnh hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP là sản phẩm thanh trà Phong Thu nằm trong thương hiệu thanh trà Huế. Đồng thời, hỗ trợ cho hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Thanh trà và Hợp tác xã sản xuất Thanh trà ở Phong Thu… nhìn chung, hướng đi đối với loại cây trồng này trong thời gian tới là hết sức đảm bảo.

CTV