Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

69
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 17:03 31/01/2022
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2018, với trọng tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Đến nay, chương trình đã thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết, chuỗi giá trị.

Đi lên từ sản phẩm địa phương

Sau nhiều năm sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí 4 sao, đến nay HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền) đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất Bộ NN&PTNT để được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX SXDV Mây tre đan Bao La thông tin, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng HTX vẫn duy trì sản phẩm với sản lượng bán ra khá ổn. Khách hàng và đơn đặt hàng khá nhiều nhưng HTX luôn chú trọng khâu chất lượng cũng như đảm bảo kỹ thuật, quy cách của sản phẩm, chống mốc, chống mối mọt để sản phẩm luôn được bền và có tính mỹ thuật. Hiện sản phẩm đã có trên 500 mẫu khác nhau, nhưng HTX vẫn phát triển thêm những mẫu mới, giá trị hơn và phù hợp với thị trường. Hàng năm, HTX đều có những lớp đào tạo nghề để phát triển thêm lực lượng. Đến nay đã có 136 lao động đang làm việc thường xuyên cho HTX, thu nhập của thành viên bình quân 140.000 đồng/ngày.

“Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm của HTX được hướng dẫn hồ sơ đăng ký, thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng cũng như tìm thêm các “kênh” cho thị trường đầu ra. Sản phẩm của HTX hiện nay là hàng thủ công mỹ nghệ cũng đa dang gồm: phục vụ cho khách du lịch, cung cấp đồ dùng cho các nhà hàng khách sạn, quán café, gia đình… Riêng các sản sản phẩm rổ rá hiện nay, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản,… rất ưa chuộng và có nhu cầu lớn. Sản phẩm làm ra ngày càng nhiều nhưng vẫn giữ chất lượng tốt, sắc sảo nên qua các hội chợ triển lãm đều được các khách hàng đánh giá cao và có thêm nhiều đơn đặt hàng”, ông Dinh cho biết.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), OCOP là hướng đi phù hợp nhằm phát triển các sản phẩm nông đặc sản có “quy mô”, mang tính đặc trưng và có dư địa phát triển của tỉnh. Các sản phẩm tham gia có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ. Chương trình là một trong những giải pháp rõ ràng góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương xây dựng nông thôn mới thành công.

Mở rộng thị trường

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu ít nhất 150 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (30 sản phẩm/năm). Trong đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 60% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng giai đoạn 2019-2020; phát triển mới 30 sản phẩm; phát triển từ 2 - 5 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh; ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu.

Ông Võ Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục PTNT khẳng định: Trong kế hoạch sẽ phấn đấu thành lập một trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP; 5 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu trung tâm có vị trí thuận lợi gắn sản phẩm OCOP 5 sao và có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử).

Ngành chức năng chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, các địa phương, tổ chức kinh tế tự đánh giá để tiến hành nâng cấp, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm. Nâng cấp chuỗi giá trị, nguồn nguyên liệu, liên kết chuỗi, hoàn thiện bao bì, đăng ký nhãn hiệu, hoàn thiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm..

Các ngành, các cấp, các địa phương tạo điều kiện môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn mở rộng quy mô phát triển sản xuất, chế biến theo quy trình tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu.

CTV