Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

135
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 07:42 09/12/2023
Thừa Thiên Huế với tiềm năng du lịch làng nghề
Những năm gần đây, công tác định hướng gắn phát triển làng nghề với các hoạt động du lịch được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, chú trọng nhiều hơn. Các làng nghề cũng chủ động thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách của tỉnh nói trên để phát triển bền vững. Nhiều tour du lịch làng nghề được hình thành; lồng ghép, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch có nghề, làng nghề tạo ấn tượng tốt với du khách.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, trong đó 36 nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Đây là một trong những địa phương có số nghề, làng nghề cao nhất cả nước. Những nghề truyền thống tiêu biểu có thể kế đến như: mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ, đúc đồng, mây tre đan, thêu và thêu ren, dệt thổ cẩm, nón lá, may áo dài, pháp lam, sơn mài, khảm trai, gia công chế tác kim hoàn,...

Sau 8 kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, những nghề và làng nghề truyền thống được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, tăng năng lực sản xuất, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại,... phát triển rất tốt vừa cung cấp sản phẩm cho đời sống xã hội, đưa vào phục vụ du lịch, làm quà tặng lưu niệm, vừa hình thành điểm đến thu hút các chương trình du lịch. Đồng thời, qua các kỳ Festival, các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới được hình thành, nhiều điểm đến du lịch được nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng, không gian biểu diễn và không gian trưng bày sản phẩm nghề đã từng bước được định hình.

Theo thống kê, hàng năm tỉnh Thừa Thiên Huế đón khoảng hơn 380.000 lượt khách với loại hình du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông thôn ước đạt 82 tỷ đồng/năm; thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng. Tuy vậy, những thống kê này vẫn được xem là còn khá "khiêm tốn" so với những dư địa về nguồn tài nguyên du lịch nghề, làng nghề mà địa phương đang có. Số làng nghề được chọn làm điểm du lịch còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiều nguyên nhân khiến du lịch làng nghề tại địa phương vẫn chưa phát triển hiệu quả so với tiềm năng. Có thể kể đến như: việc phát triển du lịch làng nghề còn mang tính tự phát. Phần lớn các làng nghề được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu và yếu; chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết với du lịch; các sản phẩm phục vụ du lịch còn ít và đơn điệu về chủng loại, thiếu hấp dẫn; các cơ sở sản xuất, các làng nghề chưa có sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ; nhận thức về cách làm du lịch của người dân tại các làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế,...

Để phát triển bền vững du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm góp phần gìn giữ văn hóa địa phương, phát triển kinh tế và tạo việc làm cho cộng đồng dân cư sinh sống tại địa phương; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề của địa phương, vừa qua, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án "Định hướng Phát triển du lịch nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Thừa Thiên Huế, ước tính doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2021 tại các nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận khoảng 420.896 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người lao động của các cơ sở, hộ gia đình trong những đơn vị nghề, làng nghề khoảng 3,67 triệu đồng/lao động/tháng.

Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã chủ trương và có kế hoạch để khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống từ lâu đời đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; khôi phục để phát triển một số nghề và làng nghề phát triển cầm chừng, không ổn định sản xuất… Việc quan tâm, phát triển các làng nghề gắn với du lịch bên cạnh phát huy hiệu quả bảo tồn còn góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân làm nghề.