Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

24
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 17:30 04/07/2023
Vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Hương Thủy
Thị xã Hương Thủy đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, một trong những tiêu chí đang được thị xã đẩy mạnh là phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế của địa phương, thông qua việc hình thành và phát triển các HTX, nâng số sản phẩm được công nhận OCOP.

Thị xã Hương Thủy trở thành địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020. Đây là dấu ấn quan trọng của hơn 10 năm lên thị xã, khẳng định những bước đi tích cực, sự năng động, đổi mới của một huyện thuần nông trở thành đô thị.

Khẳng định vai trò HTX trong xây dựng NTM

Hiện nay, kinh tế tập thể, HTX đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Điển hình, HTX nông nghiệp Thủy Dương, phường Thủy Dương đang phát huy thế mạnh, truyền thống thâm canh mướp đắng của địa phương để phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm trà mướp đắng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Với nguồn nguyên liệu gần 100 tấn mướp đắng/vụ, HTX Thủy Dương đã đầu tư máy móc công nghệ cao, nhà xưởng hiện đại để sản xuất trà mướp đắng trồng theo chuẩn VietGAP. Năm 2017, HTX bắt tay chế biến trà mướp đắng từ nguồn nguyên liệu quả tươi thu mua tại vườn được trồng theo hướng VietGAP.

Bên cạnh trà mướp đắng, HTX đã hợp đồng mở mã với các hệ thống siêu thị để tiêu thụ sản phẩm mướp đắng tươi cho các hộ sản xuất. Nhờ làm tốt công tác kết nối thị trường, HTX hỗ trợ người dân tiêu thụ mướp đắng dịp chính vụ đạt khoảng 1 tấn/ngày, giá cao hơn 20-30% so với giá thị trường.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX tiến hành hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho người dân.

Nhằm hạn chế côn trùng châm chích, HTX nông nghiệp Thủy Dương đã nghiên cứu đặt mua túi bọc quả mà không cần phun thuốc diệt trừ côn trùng trực tiếp vào quả như trước đây, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương (một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM), nâng cao sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

HTX hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí này, thời gian qua, Hương Thủy tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia vào các HTX, tạo động lực giúp HTX phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, Hương Thủy đã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị có liên quan hướng dẫn các phường, xã thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các phong trào hiến đất, mở đường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn, xây dựng tường rào mẫu... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đáng chú ý, với diện tích đất đai tích tụ, tập trung trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, đã có nhiều mô hình thành công do có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân trong việc cung ứng giống, vật tư phân bón, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế  thị xã Hương Thủy, hầu hết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn đạt trung bình doanh thu khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Các HTX trực tiếp liên kết với các doanh nghiệp, HTX khác và nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm trồng trọt.

Từ đó, số lượng HTX đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tăng đều qua các năm. Tổng doanh thu của các HTX năm 2022 đạt trên 81 tỷ đồng, lợi nhuận trên 4,9 tỷ đồng. Diện tích rừng trên địa bàn thị xã tăng hơn 573 ha. Lũy kế từ trước đến nay, trên địa bàn thị xã có gần 3.000 ha được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Sau thời gian triển khai thực hiên chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cùng với sự quan tâm hỗ trợ của UBND thị xã Hương Thủy và các sở ngành liên quan, nhiều HTX trên địa bàn đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng phát triển thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cả 7/7 xã của thị xã Hương Thủy đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững, chủ yếu là lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, sản xuất cung ứng giống cây lâm nghiệp, cơ sở giết mổ tiêu thụ lợn cho nông dân. Nhìn chung, các mô hình HTX liên kết tiêu thụ chặt chẽ với doanh nghiệp, là thế mạnh của địa phương. Việc thực hiện mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương đã góp phần ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo tính bền vững trong tổ chức sản xuất.

Quyết tâm và giữ vững các tiêu chí đạt được

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, Hương Thủy hiện có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: 5 phường và 7 xã. Từ một huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhờ nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ của Hương Thuỷ đã vươn lên chiếm tỷ trọng cao, quy mô nền kinh tế tăng gấp đôi so với năm 2010 và duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình trên 15%/năm. Điều này góp phần rất lớn trong tăng thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,92% (năm 2011) xuống còn 1,69% như hiện nay.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, UBND thị xã Hương Thủy đã chỉ đạo các phường, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định của tỉnh và xây dựng NTM kiểu mẫu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thị xã phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã đạt xã NTM nâng cao, trong đó có 2 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, nỗ lực đạt các chỉ tiêu: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 65 triệu đồng/năm; 100% số hộ dân khu vực nông thôn được dùng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo (bao gồm cả đối tượng chính sách BTXH) dưới 1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định đạt 100%.

“Bên cạnh đó, các xã, phường tiếp tục tập trung xác định các vùng sản xuất đối với cây trồng chủ lực để xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện chuyển đổi số đổi với sản phẩm chủ lực. Phấn đấu mỗi xã, phường có nhiều sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm OCOP có thể ở nhiều phường, xã, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm”, ông Nguyễn Thanh Minh nhấn mạnh.

CTV