Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1877
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 11:27 29/10/2013
Bốn cấp đồng lòng bàn việc nhà nông(26/11/2012)
“Lần đầu tiên trong cuộc đời lão nông, tôi được dự hội nghị có đủ 4 cấp từ Trung ương đến xã, dưới sự chủ tọa của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng bàn việc chăm lo đời sống cho nông dân. Chúng tôi rất cảm động và thấy Đảng cũng như đồng chí Tổng bí thư thật gần gũi, thân thiết” - ông Võ Trường Chinh, nông dân ấp Ka 8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bày tỏ như vậy sau buổi làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp) chiều 24-11.

Cánh đồng liên kết và hợp tác xã kiểu mới

Đây không phải là lần đầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng duy trì cách làm việc “bốn cấp cùng bàn việc cơ sở”. Gần như đã thành thông lệ, nếu điều kiện cho phép, đến thăm, làm việc ở địa phương nào, đồng chí đều đến gặp gỡ cán bộ, người dân của một xã vùng sâu, vùng xa, thuộc diện khó khăn nhất của địa phương đó, rồi mới làm việc với huyện, với tỉnh.

Lần này, buổi làm việc với cán bộ, nhân dân xã Phú Hiệp quy tụ thêm cả một số nông dân sản xuất giỏi trong huyện. Những vấn đề Tổng bí thư đặt ra, rất dung dị, sát thực với đời sống nông dân. Khi nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phú Hiệp báo cáo tình hình quê hương khởi sắc, đời sống nông dân được nâng cao nhiều mặt, Tổng bí thư hỏi ngay:

- Tam Nông được coi là vùng chua mặn, nhiễm phèn của Đồng Tháp, cuộc sống trước đây vô vàn khó khăn. Vậy, bà con và các đồng chí cán bộ thử lý giải xem, vì sao đời sống của nhân dân bây giờ lại khá lên nhanh như vậy?

Rất nhiều ý kiến, góc nhìn được đưa ra, cả trong buổi làm việc chính thức và giờ giải lao. Có những ý kiến bao quát, nhưng cũng có những ý kiến hết sức cụ thể, sát với thực tế địa phương. Tựu trung, ý kiến của đồng chí Lương Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông, người gắn bó với huyện từ ngày thành lập (1982) đến nay, được Tổng bí thư đánh giá cao:

- Tam Nông có được ngày hôm nay trước hết là nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười. Từ chủ trương đó, khâu đột phá là thủy lợi đã dẫn nước ngọt sông Tiền vào, biến Tam Nông - vốn là “cái rốn” chua mặn của Đồng Tháp Mười trở thành mảnh đất trù phú. Thứ hai, phải kể đến việc huyện mạnh dạn phát triển cánh đồng mẫu lớn, có những cánh đồng rộng đến 1000ha, doanh nghiệp không chỉ nhận bao tiêu sản phẩm cho cánh đồng mẫu lớn, mà còn lo cả đầu tư vốn giống, tư vấn kỹ thuật. Tiếp theo phải kể đến thành công của việc chuyển đổi các vùng đất ngập sâu sang nuôi cá tra, cho thu nhập cao...

Qua các ý kiến, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhất đến mô hình cánh đồng mẫu lớn và hợp tác xã kiểu mới. Chính vì vậy, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp sáng 25-11, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung đi sâu, làm rõ hai nội dung này. Thực tế, cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp xuất hiện là do học tập kinh nghiệm của An Giang. Tuy nhiên, khi nông dân Đồng Tháp bắt tay thực hiện thì chưa gắn với vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nên mô hình không phát triển. Phát hiện ra điều này, UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc. Khi doanh nghiệp vào, họ không chỉ bao tiêu sản phẩm, mà còn chủ động cung cấp vốn, hướng dẫn kỹ thuật, có doanh nghiệp còn xây cả hệ thống kho chứa cho nông dân gửi vào sau thu hoạch, chừng nào muốn bán thì doanh nghiệp mới chuyển đi, giá lúa cao hơn giá thị trường bởi bớt khâu trung gian của thương lái. Nông dân thấy có lợi, mô hình phát triển nở rộ. Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 2000ha đăng ký cánh đồng mẫu lớn, năm 2012 tăng lên hơn 17.000ha và năm 2013, nông dân đăng ký tới 45.000ha làm theo mô hình này. Cánh đồng mẫu lớn nay được gọi là cánh đồng liên kết, nơi thực sự là địa chỉ hợp tác, liên kết làm ăn giữa “4 nhà”.

Sự xuất hiện của cánh đồng liên kết đã cho ra đời mô hình hợp tác xã mới, không phải theo cụm dân cư như trước đây mà theo từng cánh đồng. Hợp tác xã cũng là người đại diện nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp bảo đảm dịch vụ cho nhà nông. Hiện tại, Đồng Tháp đang chuẩn bị đề án trình Trung ương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó, ngay cả các đoàn thể quần chúng cũng có thể được tổ chức theo từng cánh đồng liên kết chứ không theo cụm dân cư như hiện nay. Vai trò, sức sống của hợp tác xã trong mô hình này thể hiện rất rõ nét.

Xây dựng nông thôn mới phải linh hoạt

Nếu như về xã Phú Hiệp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung khảo sát kỹ mô hình cánh đồng mẫu lớn thì khi về xã Long Mỹ, huyện Mang Thít (Vĩnh Long), sáng 26-11, Tổng bí thư lại rất quan tâm hỏi về những thuận lợi và khó khăn của một xã ven đô (gần TP Vĩnh Long). Đồng chí Trần Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ, vốn là kỹ sư nông nghiệp, báo cáo rất thật với Tổng bí thư:

- Là xã ven đô, mật độ dân số đông, diện tích canh tác nhỏ, Long Mỹ tập trung phát triển cả cây lúa và cây màu chứ không áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ngay trong xây dựng nông thôn mới, xã đang kiến nghị lên trên xem xét lại một số tiêu chí. Chẳng hạn, theo quy định thì mỗi thôn, ấp phải có một nhà văn hóa nhưng thực tế địa phương lâu nay, cứ 2 ấp mới có một nhà văn hóa, so với số lượng dân cư và tập quán sinh hoạt của nhân dân ở đây thì như vậy là phù hợp, nếu xây thêm một nhà văn hóa nữa sẽ lãng phí.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu tán thành:

- Tinh thần xây dựng nông thôn mới của xã như vậy là rất đúng với chỉ đạo của Trung ương và của đồng chí Tổng bí thư. Sắp tới, Trung ương cũng sẽ xem xét điều chỉnh bộ tiêu chí nông thôn mới, sẽ có phần quy định cứng nhưng cũng có phần quy định “mềm” để các địa phương vận dụng...

Ông Phạm Văn Bì, nông dân ấp Long Hòa 2 khi gặp đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương trong giờ giải lao cũng thẳng thắn:

- Nông dân bây giờ cũng đổi mới tư duy lắm, việc gì có lợi họ ắt làm theo. Chẳng hạn, ở xã không sản xuất lớn, người dân phải tự lo khâu tiêu thụ sản phẩm nên dù UBND tỉnh khuyến nghị giảm tỷ lệ trồng lúa 50404 vì đây là giống lúa giá trị thấp nhưng nông dân vẫn trồng?

- Vì sao vậy? - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh đặt câu hỏi.

Ông Bì giải thích: Vì là xã ven đô, gạo 50404 tuy giá trị thấp nhưng dễ bán cho các đại lý làm bún, đồng thời loại lúa này cũng dễ bán cho các cơ sở chăn nuôi gà tập trung. Giá lúa tuy có rẻ nhưng bù lại, năng suất lại cao và việc chăm sóc, đầu tư cũng đơn giản hơn nhiều.

Lắng nghe những ý kiến đa dạng, phong phú đến từ đội ngũ cán bộ 4 cấp cùng những ý kiến cụ thể, trực diện của nông dân chính là mong muốn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí cũng gợi mở: Ông bà ta có câu “nhất cận thị, nhị cận giang”, xã Long Mỹ có lợi thế ven đô, gần sông, chắc chắn có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, cần phân tích thật kỹ đặc điểm này, tăng cường liên kết “4 nhà”; quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực sự là cơ quan của dân, do dân, vì dân… nhất định Long Mỹ sẽ thành xã khá. Xây dựng nông thôn mới là một sự nghiệp to lớn, sẽ cần đến rất nhiều thời gian, vật lực, trí lực. Từ ý kiến của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo của Trung ương đến ý kiến của các nhà nông đều cho thấy một yêu cầu rất cao về sự sâu sát thực tế, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, tư duy đổi mới không ngừng nghỉ, liên tục tìm tòi thì mới có được nhân tố mới, con người mới. Như thế, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới nhất định sẽ thành công.