Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/07/2024

1916
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 10:29 26/06/2019
OCOP - Giải pháp trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới
Sản phẩm trà rau má Quảng Thọ huyện Quảng Điền
Chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP - là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nông thôn mới còn thiếu bền vững

Trong 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), khu vực nông thôn (KVNT) đã có nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kết quả xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giữa các vùng còn có sự chênh lệch lớn; kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể chưa được thúc đẩy tích cực; lợi thế địa phương về sản vật, cảnh quan, văn hóa,... chưa được khai thác hết, sự chuyển biến phát triển kinh tế KVNT nhìn chung còn chậm. Một trong những nguyên nhân cơ bản do các địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, sản xuất kinh tế hộ chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, HTX) thiếu cả số lượng và chất lượng; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (theo đúng chuyên môn sản xuất sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động KVNT đạt thấp; quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn yếu và bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường. Chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn còn tư tưởng làm cho, làm thay, thiếu các hoạt động mang tính chất kiến tạo cho sự phát triển,...

Rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ bên ngoài, thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các nhà DN, nhà khoa học và nông dân, chưa tận dụng hết tài nguyên nội tại trong khu vực (nguyên liệu, lao động, văn hóa...), người dân chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế theo quy mô hàng hóa; nhiều dự án hỗ trợ sau khi kết thúc, nông dân chưa đủ trình độ, năng lực tài chính để tiếp cận, làm chủ và phát triển tiếp một cách bền vững. Kinh tế nông thôn phát triển không đồng đều, cùng các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sự dịch chuyển lao động trẻ có trình độ từ nông thôn ra thành thị, làm ảnh hưởng chung phát triển KTXH KVNT, cũng như tiến trình và chất lượng xây dựng NTM hiện nay. Phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ cốt lõi của xây dựng NTM nhưng vẫn đang là vấn đề khó nhất của Chương trình xây dựng NTM.

Sản phẩm tre đan Bao La Quảng Phú huyện Quảng Điền 

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với ba thách thức lớn: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất thường; hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực lớn cho các sản phẩm trong nước. Trước những thách lớn này, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung phối hợp các bộ, ngành, địa phương để giải quyết. Trong đó, xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với định hướng phát triển các nhóm sản phẩm ở ba cấp độ, đặc biệt là các sản phẩm cấp huyện, cấp xã (mà Chương trình OCOP hướng vào) nhằm thực hiện mục tiêu tiêu chuẩn hóa gần 2.400 sản phẩm, củng cố 3.920 tổ chức kinh tế tham gia OCOP (giai đoạn 2018-2020), góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Sáu nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của OCOP

Thứ nhất, làm tốt công tác thông tin, phát triển nhận thức cho toàn xã hội, thị trường tiêu thụ hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của OCOP, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Thứ hai, phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng. Sản phẩm phải từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, DN hoặc HTX). Ở phạm vi quốc gia, sớm thành lập Trung tâm sáng tạo OCOP quốc gia (như bài học thiết kế sáng tạo của nhiều nước, trong đó có Thái-lan), từ đó có tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho việc thiết kế, sáng tạo sản phẩm OCOP. Việc phát triển sản phẩm phải gắn chặt với công tác đánh giá xếp hạng của OCOP. Sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng và gắn sao có thứ hạng cao phải được lòng dân “gắn sao” về uy tín và chất lượng.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020 bằng những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Ðề án phát triển 15 nghìn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, cũng như cho các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được đề ra. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới.

Thứ tư, các tổ chức tài chính, tín dụng cần nghiên cứu, sớm có chương trình hỗ trợ trực tiếp cho OCOP. Các tập đoàn, công ty lữ hành lớn, hãng hàng không, các cơ quan báo chí, truyền thông,... cần tăng cường thông tin về các sản phẩm đặc sản các vùng, miền vào chương trình quảng bá du lịch, không chỉ trong nước mà cả quốc tế nhằm tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện công tác marketing tổng thể trên phương diện quốc gia.

Thứ năm, cần chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để xây dựng, thực hiện Ðề án, Kế hoạch triển khai OCOP. Tùy điều kiện, đặc điểm, cần lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới xuất khẩu tạo chuỗi giá trị. Công tác chỉ đạo thực hiện OCOP được gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của mỗi địa phương, gắn với thực hiện Ðề án phát triển 15 nghìn HTX. Các thủ tục hành chính hỗ trợ người sản xuất phải thực hiện nhanh gọn, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cần nhiệt tình, tâm huyết và có hiểu biết để chỉ đạo thúc đẩy đề xuất, sáng kiến về sản phẩm từ dưới lên (từ các DN, HTX, hộ sản xuất). Các địa phương cần linh hoạt trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách chung của T.Ư và ban hành các chính sách phù hợp điều kiện của địa phương. Trong chỉ đạo, cần tập trung phát triển các dự án mang tính chất trọng điểm, dự án liên kết vùng huyện, xã; thường xuyên tổ chức các sự kiện vinh danh sản phẩm, dịch vụ du lịch (hội chợ, festival).

Thứ sáu, tập trung phối hợp thúc đẩy sản xuất, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển ba trục sản phẩm cấp độ quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, xã, trong đó chú trọng các sản phẩm chủ lực cấp huyện, cấp xã (sản phẩm OCOP), gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng NTM. Sớm ban hành các quy định, quy trình và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP; thực hiện tốt công tác tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý chương trình cũng như các chủ DN, HTX, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình để có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing; duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại giữa các tỉnh, thành trong cả nước, từng bước đưa nông dân hội nhập thị trường; phối hợp thực hiện hiệu quả việc tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào OCOP.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế cho KVNT, nhưng khuyến khích thực hiện ở cả khu vực đô thị, hỗ trợ tích cực để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Kết thúc giai đoạn 2018-2020, sẽ tổ chức đánh giá và xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện chương trình cho giai đoạn tiếp theo. Ðể thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành T.Ư, các địa phương cần phải có quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện hiệu quả OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển các HTX, các DN nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp DN, nhất là đối với DN, doanh nhân trẻ KVNT.

VPĐP NTM TTH (TH)