Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1911
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 11:09 28/03/2014
Hương Giang: Điểm sáng bảo vệ môi trường
Môi trường là một trong 19 tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đây là tiêu chí mà nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên kịnh nghiệm triển khai thực hiện tiêu chí môi trường ở xã Hương Giang, huyện Nam Đông thực sự là bài học đáng ghi nhận.

Điểm sáng về thực hiện bảo vệ môi trường

Ấn tượng nhất khi đến xã Hương Giang, huyện Nam Đông một địa phương miền núi của Thừa Thiên Huế  là đường làng, ngõ xóm sạch bong. Tìm hiểu mới hay, công tác vệ sinh môi trường ở xã Hương Giang được chị em hội viên hội phụ nữ xã đảm trách, phát động làm vệ sinh từ năm 2009 đến nay.
Ngày thứ 7 đầu tiên của tháng, hội viên Hội Phụ nữ xã Hương Giang tập trung ở nhà thôn để nghe chị chủ tịch hội phụ nữ xã triển khai dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Xã Hương Giang có 394 hội viên, sinh hoạt trong 6 chi hội: Tây Lộc, Tây Linh, Thuận Hòa, Phú Trung, Phú Ninh và Phú Thuận. Tất cả các chi hội đều thực hiện phong trào “5 không 3 sạch” do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2009. Đặc biệt, tiêu chí “3 sạch” là sạch bếp, sạch nhà, sạch đường làng ngõ xóm phải đạt 100%. Dù có bận rộn thế nào, các chị em hội viên cũng phải sắp xếp thời gian để tham gia và thực hiện công tác vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, chế biến thực phẩm an toàn, vệ sinh phòng bệnh để bảo vệ môi trường sống tại địa phương. Ngoài ra, Hương Giang là địa phương xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014 nên công tác bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng ngõ xóm đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. O Trần Thị Lài, ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Giang tâm sự, mỗi tháng chị em hội viên tập trung quét dọn vệ sinh một buổi sáng, ngoài ra chị em chúng tôi đều ý thức tự giác cao trong việc giữ gìn vệ sinh ở gia đình và khu vực của mình đang sinh sống. 
Chị Trần Thị Mỹ Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hương Giang bày tỏ, trước đây rác thải ở địa phương khá nhiều, đi đâu cũng có bao ni lông. Năm 2009, hội phụ nữ triển khai thí điểm ở chi hội Tây Lộc, sinh hoạt hội hàng tháng đều lồng ghép tuyên truyền công tác chung tay bảo vệ môi trường. Việc tuyên truyền dần được thấm nhuần, hội viên luôn nâng cao ý thức. Từ đó, các đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp và các tuyến đường khang trang hơn. 
Bài học từ Hương Giang   

Năm 2005, UBND thị trấn Khe Tre hợp đồng với doanh nghiệp Trường Sinh thu gom và vận chuyển rác thải. Khối lượng rác mỗi ngày bình quân 22 khối, hai ngày xe vận chuyển rác thải đến bãi Thượng Nhật một lần. Ông Trương Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Khe Tre cho biết: “Trước đây, rác thải sinh hoạt là vấn nạn, các đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng có rác thải, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan nông thôn. Trước thực trạng đó, UBND thị trấn Khe Tre hợp đồng với doanh nghiệp Trường Sinh tiến hành thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên lồng ghép vào các buổi họp dân tuyên truyền bảo vệ môi trường, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức và tình trạng vứt xả rác bừa bãi cũng được hạn chế rất nhiều”.
Giám đốc doanh nghiệp Trường Sinh cho biết: “Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Nam Đông chỉ có xã Hương Giang và thị trấn Khe Tre hợp đồng đơn vị thu gom và vận chuyển rác thải. Địa bàn thị trấn Khe Tre có chợ Khe Tre với hơn 500 tiểu thương nên lượng rác thải hàng ngày là rất lớn. Điều bức xúc nhất là do khó khăn về kinh phí nhiều xã không hợp đồng thu gom và vận chuyển rác nên rác thải trong cụm dân cư vẫn còn nhiều. Doanh nghiệp chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, do người dân ở các xã Hương Hòa, Hương Phú thường xuyên đưa rác đến thị trấn Khe Tre vứt, dẫn đến các thùng rác thường xuyên quá tải”.
Xác định vấn đề xử lý chất thải là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách, nhất là thời điểm cả nước ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Nam Đông cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để các xã trên địa bàn huyện được hợp đồng thu gom và vận chuyển rác thải nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.
Lâu dài, để giải quyết được tình trạng chất thải tràn lan gây ô nhiễm ở khu vực nông thôn, huyện cần có chính sách đầu tư thỏa đáng nguồn lực về tài chính, mặt bằng, công nghệ và con người. Đồng thời, chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã lựa chọn địa điểm để bố trí quỹ đất quy hoạch xây dựng bãi chứa rác thải tập trung theo xã hoặc cụm xã; khích lệ những mô hình hay tự quản về môi trường. Ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tự phân loại, xử lý chất thải tại nguồn, xây dựng mô hình 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, trước mắt ngành chức năng cần hướng dẫn người dân phân loại để đốt hoặc chôn lấp rác ngay tại gia đình, rác hữu cơ tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi hoặc làm phân bón.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Đông