Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

2014
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 14:27 21/08/2014
Quảng Điền: Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Cùng với việc tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng nông thôn, nhiều địa phương ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế đã đây mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cũng như xử lý môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Là huyện điểm trong xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm 2014 đến nay, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã đầu tư thêm hơn 232,5 tỷ đồng xây các sở hạ tầng và nhiều công trình dân sinh quan trọng khác để đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với ngân sách của nhà nước, người dân trên địa bàn huyện đã đóng góp gần 3 tỷ đồng, tự nguyện hiến 17.155 m2 đất, 8.755 cây cối, 115 m2 công trình phụ và 2.945 ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng ở địa phương trong chương trình xây dựng nông thôn mới. 
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, Quảng Điền đã tích cực đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất để phá thế thuần nông, nâng cao đời sống nhân dân. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở Quảng Điền tập trung vào chương trình tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Huyện cũng tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các khâu gieo trồng, làm đất, thu hoạch, vận chuyển; nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình thử nghiệm mới nhằm tìm ra hướng đi mới trong sản xuất. 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Điền dự kiến đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển đàn bò chất lượng cao giai đoạn 2014 - 2016; dự kiến nhập mới 1.800 con bò cái lai để thay thế và tăng đàn; phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra đàn bò lai có năng suất cao, từng bước nâng cao tầm vóc đàn bò thịt; thúc đẩy việc chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá; xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại các hộ gia đình và trang trại với phương thức nuôi nhốt kết hợp với chăn thả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Các địa phương trong huyện đã thực hiện có hiệu quả và nhân rộng mô hình "Chăn nuôi lợn rừng sinh sản tại trang trại vùng cát nội đồng xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền", lợn sinh sản và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng dự án, với nguồn thức ăn phong phú lợn phát triển và sinh sản bình thường. 
Trong các năm 2013, 2014, Quảng Điền thực hiện mô hình "Nuôi chim bồ câu lai Pháp sinh sản và thương phẩm"; " Nuôi rắn mối sinh sản và thương phẩm" tại 2 xã ven biển Quảng Công và Quảng Ngạn thu hút nhiều người tham gia, đem lại nguồn thu nhập thường xuyên cho các hộ nuôi. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, huyện đã tiến hành thử nghiệm một số mô hình đem lại hiệu quả như mô hình "Chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi cá, khoanh lưới nuôi cá mú, cá vược ở phá Tam Giang"; "Sử dụng chế phẩm sinh học trong việc xử lý môi trường nuôi để nuôi tôm xen cá kình"; "Mô hình nuôi hỗn hợp cá kình - cá đối - cá ong", đã cải thiện được môi trường nước bị ô nhiễm, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. 
Đáng chú ý, huyện Quảng Điền đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Huế thực hiện mô hình "Sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm sú ở thị trấn Sịa" đã xử lý được môi trường nước, đáy ao, đảm bảo tôm nuôi phát triển nhanh, chất lượng tốt và hạn chế được dịch bệnh, đem lại hiệu quả cao. Mô hình "Sử dụng chế phẩm sinh học để trồng rau an toàn tại xã Quảng Thành", theo tiêu chuẩn VietGAP; kết quả từ 1,8 ha sản xuất rau má an toàn ban đầu, đến nay có 35 ha sản xuất rau má an toàn theo hướng VietGAP; rau má còn được chế biến thành rau má khô, trà rau má cung cấp cho thị trường. 

Sản xuất rau sạch tại Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế 

Đến nay, Quảng Điền đã có xã Quảng Phú đạt 17 tiêu chí; 7 xã đạt từ 12- 14 tiêu chí và 2 xã đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với Quảng Phú, để đạt mục tiêu về đích chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm nay, xã đã chú trọng công tác đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất. Nổi bật, Quảng Phú đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển đàn lợn nái F1 cho 51 hộ nông dân là hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí là 110 triệu đồng; hỗ trợ 4 mô hình phát triển sản xuất gồm nuôi cá lồng (2 đợt), mô hình trồng hoa cúc và mô hình nấm sò với sự tham gia của 62 hộ; với tổng kinh phí đầu tư là 567.532.000 đồng; trong đó nhà nước hỗ trợ 196.876.000 đồng, nhân dân tự bỏ vốn 370.656.000 đồng để thực hiện. Hiện nay, xã Quảng Phú đang triển khai 3 mô hình phát triển sản xuất giống lạc mới, mô hình trồng sen xen cá và mô hình trồng nấm sò với sự tham gia của 103 hộ; với tổng kinh phí đầu tư là 249.770.000 đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 105.389.000 đồng, nhân dân đóng góp 144.381.000 đồng. Trong 4 tiêu chí còn lại từ đầu năm, hiện nay Quảng Phú đã đạt thêm 2 tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo và tiêu chí về môi trường. Dự kiến, đến cuối năm 2014, Quảng Phú tiếp tục tập trung thực hiện hai tiêu chí còn lại là tiêu chí về trường học và tiêu chí về giao thông, để có thể cán đích chương trình nông thôn mới đầu tiên của huyện Quảng Điền. 
Tồn tại hiện nay của Quảng Điền là do đặc điểm là huyện thuần nông, số lượng hộ chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi lợn khá lớn, người dân lại chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chưa có hệ thống xử lý phân, nước thải của gia súc nên đã gây nên ô nhiễm môi trường. Để giảm thiểu tình trạng này và thực hiện đạt tiêu chí môi trường nông thôn, UBND huyện Quảng Điền đã tiến hành quy hoạch mạng lưới thu gom chất thải rắn nông thôn; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; xây dựng quy chế hoạt động thu gom và xử lý rác thải cho các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc tại khu vực nông thôn như chợ, làng nghề, lò giết mổ gia súc, gia cầm. 
Đặc biệt, huyện Quảng Điền đã đầu tư kinh phí 19 tỷ đồng xây dựng bãi chứa và xử lý rác với diện tích 2,5 ha tại vùng rú cát xã Quảng Lợi, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của bãi chứa và xử lý rác, huyện Quảng Điền cũng đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng các bãi chứa rác tạm ở các xã thị trấn để trung chuyển lên bãi rác tập trung. Bên cạnh đó, mỗi địa bàn thôn xóm, người dân đã thành lập tổ tự quản thu gom xử lý rác thải theo quy định để bảo vệ môi trường cuộc sống. 
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ tiến hành tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân về các biện pháp xử lý bảo quản và sử dụng các loại hóa chất nói chung thuốc bảo vệ thực vật nói riêng, đẩy mạnh việc sử dụng chế phẩm sinh học EM vào sản xuất nông - ngư nghiệp, mở rộng các mô hình sản xuất lúa theo phương pháp IPM; mở rộng mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP… để môi trường trên địa của huyện được đảm bảo, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới./. 

Hoàng Vọng -Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Điền

Ảnh: Phạm Quyền