Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

191
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 20:05 20/02/2023
Tạo xu hướng mới cho sản phẩm OCOP
Phát biểu kết luận “Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2023” tại Hải Phòng sáng 17/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) nhấn mạnh, cần tạo thị trường mới, sản phẩm mới và xu hướng mới cho sản phẩm OCOP khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM.

“Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2023” đã tập trung đánh giá, phân tích những điểm mạnh, những khó khăn, những hạn chế trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai xây dựng NTM thời gian vừa qua. Đồng thời, đề xuất giải pháp, hiến kế để phấn đấu đạt được chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hơn 12 năm qua, chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được những thành tựu “To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn.

Những kết quả đạt được của Chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện và cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đại biểu tham quan các gian hàng OCOP bên lề hội nghị. 

Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn NTM.

Đáng nói, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, công nhận 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của hơn 4.586 chủ thể tham gia. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016.

Kết quả đạt được là sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và toàn dân cũng như sự đóng góp đầy trách nhiệm trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, đại biểu tham dự hội nghị thảo luận, trong đó, tập trung vào 5 vấn đề cốt lõi để phấn đấu đạt được chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Đó là xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững

Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới.

Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sau 12 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, chương trình đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Điều đặc biệt của chương trình là, tại mỗi địa phương đều có không gian riêng tạo sản phẩm đặc trưng cho từng vùng, miền – sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Địa phương nào tạo được thông điệp vừa đơn giản, vừa phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điểm riêng biệt của vùng mình sẽ tạo được cảm xúc cho người dân nhận ra khả năng của mình để đóng góp xây dựng quê hương thông qua việc tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế.

“Giá trị bản sắc của địa phương dựa vào sản phẩm OCOP. Không gian để sáng tạo, phát triển kinh tế nông thôn là vô hạn so với đất đai vốn hữu hình, hữu hạn, Sáng tạo sản phẩm OCOP cũng là vô hạn. Địa phương phải làm sao phát huy được giá trị sáng tạo vô hạn này, cải tiến liên tục sản phẩm trong không gian kinh tế”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã dẫn chứng câu chuyện về sản phẩm mật ong, trà trên từng địa phương để minh chứng mỗi mảnh đất đều tạo ra hương vị riêng, đặc sắc riêng cho mỗi sản phẩm.

“Điều quan trọng là phải tạo không gian sáng tạo mới cho OCOP, từ đó, tạo ra thị trường mới, sản phẩm mới, xu hướng mới. Trên một diện tích, sản phẩm OCOP phải tạo được giá trị thặng dư so với trồng lúa, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Câu chuyện du lịch tại nông nghiệp nông thôn cùng vậy, du lịch nông nghiệp là một xu thế chứ không phải chứ không phải làm làm chơi”, ông Hoan nhấn mạnh.

Văn phòng điều phối NTM tỉnh (TH)