Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1935
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 15:53 08/11/2014
Thừa Thiên Huế: 97% số xã đã hoàn thành tiêu chí về điện nông thôn
Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối Tính, đến 31/10/2014 đã có 89/92 xã của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí số 4 -Điện nông thôn, chiếm 97%, là một trong những tiêu chí phấn đấu về đích 100% sỗ xã toàn tỉnh vào năm 2015. Để thực hiện nhiệm vụ đó ngành điện đã và đang nổ lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện để góp phần thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế và ngành điện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn, góp phần thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc...Tính từ năm 2010 đến năm 2014, ngành điện đã đầu tư xây dựng mới 260 công trình với giá trị 294,6 tỷ đồng; sửa chữa lớn 140 công trình với giá trị 129 tỷ đồng. Riêng khu vực nông thôn nguồn vốn để đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn lưới điện tính từ 2010-2014 trên 260 tỷ đồng. Suất vốn đầu tư xây dựng lưới điện giai đoạn 2010-2014 bình quân cho 93 xã trên địa bàn của tỉnh ngành điện đã tiếp nhận đạt 2,8 tỷ đồng/xã.

Đến hết tháng 9/2014 toàn tỉnh đã có thêm 45.400 hộ dân có điện phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh. Đến năm 2001, 100% số huyện, xã, thị xã, thành phố có điện, số hộ dân toàn tỉnh đến nay có điện (288.180 hộ) đạt 99,96%. Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm đầu của cả nước về điện khí hóa nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ðến thời điểm này, ngành điện đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại 140 xã, phường, thị trấn chiếm 92,1% số xã có điện, 132.687/156.992 hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ ngành điện chiếm tỷ lệ 84,51% số hộ dân sử dụng điện khu vực nông thôn theo đúng biểu giá quy định của Chính phủ.

   Ðối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,  xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 - Điện nông thôn khi đáp ứng 02 yêu cầu:

- Có hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện;

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt  98% trở lên.

 Cải tạo lưới điện ở huyện Quảng Điền  

Theo Văn phòng Điều phối tỉnh, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên tại 92 xã bình quân đạt 99,93%, vượt chỉ tiêu quy định 1,93%.

Nhờ động lực từ xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng nhanh năng suất lao động

Lưới điện nông thôn tại 105 xã nói chung và 92 xã thí điểm nói riêng phần lớn được xây dựng từ những năm 1984 -1990 và do các tổ chức quản lý điện nông thôn tại các địa phương thành lập để quản lý kinh doanh bán điện đến hộ dân nông thôn. Do việc xây dựng tự phát, chắp vá, nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện. Quá trình vận hành, khai thác sử dụng lưới điện hầu như không được sửa chữa, nâng cấp, cho nên lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện không bảo đảm. Một số thôn, điện áp cuối nguồn xuống rất thấp, làm tổn thất điện năng của lưới điện hạ áp nông thôn tăng cao. Khi ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ áp, rất ít xã có tỷ lệ tổn thất điện năng dưới 20%, thậm chí có xã lên tới 24 đến 27%. Thực hiện chương trình, hầu hết các xã đã bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng và để ngành điện có điều kiện đầu tư, cải tạo nâng cấp các trạm biến áp, lưới điện hạ áp, thay thế đồng hồ điện thống nhất, đạt tiêu chuẩn. Ngành điện đã phối hợp với các địa phương khảo sát, lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện và bố trí nguồn vốn thực hiện. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện lưới điện tại 92 xã đã được ngành điện và địa phương đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm đạt yêu cầu của tiêu chí. Ðối với vùng trung du và miền núi phía Tây Nam của tỉnh, chỉ tiêu đặt ra phải đạt 98% tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đã được bảo đảm, có xã như Hương Hòa và Hương Giang của huyện Nam Đông đạt tỷ lệ hộ sử dụng điện 99,96% và đến cuối năm 2014 sẽ đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.


Trong giai đoạn 2012-2015 Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai 06 dự án lớn: Dự án lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (RD); Dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (ADB); Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn, vay vốn (KfW) giai đoạn 2; Dự án cải tạo các nhánh rẽ hạ áp sau tiếp nhận 23 xã thuộc dự án ReII tỉnh Thừa Thiên Huế của 4 giai đoạn; Dự án sửa chữa lưới điện hạ áp sau tiếp nhận của 23 xã dự án ReII; Dự án cải tạo lưới điện nông thôn tiếp nhận… với tổng quy mô xây dựng và cải tạo 378 km đường dây trung áp; 1.115 km đường dây hạ áp; 158 trạm biến áp với tổng dung lượng 19.815kVA với tổng mức đầu tư 646 tỷ đồng. Số khách hàng được cấp điện thêm sau khi hoàn thành dự án là 49.239 khách hàng. Suất vốn đầu tư xây dựng lưới điện bình quân cho 93 xã trên địa bàn toàn tỉnh đạt 6,95 tỷ đồng/xã.

Như vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành điện, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế, hướng dẫn huy động vốn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ðặc biệt, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, các nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước giao cho ngành điện thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện, nhằm bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh đó tỉnh cần dành một phần vốn ngân sách địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực khác để phối hợp với ngành điện triển khai hoàn thành mục tiêu của tiêu chí điện nông thôn. Vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí số 4 như tự giải phóng mặt bằng khi đầu tư các công trình điện, tham gia thực hiện và bảo vệ hành lang lưới điện, các công trình điện; đầu tư lắp đặt hệ thống điện gia đình phục vụ sinh hoạt, sản xuất bảo đảm kỹ thuật, an toàn. Ðối với các xã đã đạt tỷ lệ số hộ sử dụng điện cao, ngành điện sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập đề án, ưu tiên bố trí nguồn vốn phù hợp để cải tạo, nâng cấp, nhằm giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng. Đồng thời, tỉnh cần dựa vào đề án tổng thể của địa phương về quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo các tiêu chí mà Chính phủ quy định, để có kế hoạch hành động đồng bộ xây dựng hệ thống lưới điện phù hợp, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về điện với chất lượng ổn định, an toàn, đồng thời tránh lãng phí nguồn điện. 

Ðể thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, việc đẩy nhanh quá trình tiếp nhận Lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT) vẫn là một phần rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 10 xã và 2 thị trấn do 7 tổ chức bán điện nông thôn quản lý, chưa bàn giao về cho ngành điện để bán lẻ đến hộ, ước khoảng 32.227  khách hàng và 308,37 km đường dây hạ áp do các tổ chức điện nông thôn địa phương đang hưởng lợi từ cơ chế giá điện (ngành điện lỗ, mà hộ dân nông thôn cũng không được hưởng trợ giá của Chính phủ) cho nên chưa bàn giao. Một vài địa phương vẫn cho rằng các tổ chức này đang hoạt động ổn định, mang lại lợi nhuận. Một số HTX kinh doanh điện nông thôn, Công ty cổ phần,... đang kinh doanh có lãi (thụ hưởng chênh lệch giá điện) cương quyết không chịu bàn giao lưới điện, mặc dù đã có chủ trương của lãnh đạo tỉnh, huyện nhưng vẫn cho rằng đang kinh doanh theo đúng pháp luật hiện hành. Ðó là những lý do cản trở quá trình tiếp nhận LÐHANT cũng như quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Theo đánh giá của ngành điện, đa số người dân tại các địa phương này rất đồng tình với chủ trương của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý và mong muốn được mua điện trực tiếp từ ngành điện. Cùng với các biện pháp nêu trên thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành hiểu rõ, nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của chương trình nông thôn mới... Từ đó huy động được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã làm việc với UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các huyện liên quan để vận động các tổ chức còn lại bàn giao lưới điện hạ áp trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, PC Thừa Thiên Huế xây dựng đề án tiếp nhận và đăng ký làm việc với các huyện và tổ chức bán buôn để bàn cụ thể về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là hoàn thành tiêu chí về điện chỉ đạt được cần có sự chung tay nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự huy động và kết hợp nhiều nguồn lực.

Văn phòng Điều phối tỉnh