Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/07/2024

1874
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 14:58 25/04/2014
Xây dựng nông thôn mới:Không nhất thiết xã nào cũng có chợ
(TTH) - Xây dựng chợ đảm bảo yêu cầu hoạt động kinh doanh là một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển nông thôn mới (NTM) của mỗi địa phương. Nhưng tùy thuộc vào tình hình thực tế, không nhất thiết xã nào cũng phải có chợ.

Trong xu thế đô thị hóa, cộng với tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh ở khu vực nông thôn đặt ra yêu cầu mỗi địa phương cần có trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm. Chợ là mô hình trung tâm thương mại cần thiết ở nông thôn, nhất là trong tiến trình xây dựng NTM. Bộ 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM quy định xã đạt chuẩn NTM phải có chợ đảm bảo yêu cầu về quy mô, diện tích và các quy định về quản lý, điều hành hoạt động. Diện tích mỗi chợ quy định rộng tối thiểu 3.000m2, trong đó khu vực chợ chính chiếm 40%, khu mua bán ngoài trời tối thiểu 25%, đường giao thông nội bộ tối đa 25%, còn lại sân vườn và cây xanh.

Chợ Vinh Thanh, nơi cung cấp nguồn hải sản tươi sống cho người dân.

Số liệu điều tra của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 126 chợ, mới chỉ có khoảng 30 chợ đạt tiêu chí quy định của Bộ Công thương. Số chợ còn lại chủ yếu là lều, lán tạm bợ không đảm bảo yêu cầu kinh doanh và yếu tố môi trường. Diện tích bình quân mỗi chợ chưa đầy 2.000m2, số hộ kinh doanh mỗi chợ chỉ 33 người. Theo yêu cầu tiêu chí NTM của Quốc gia, trên địa bàn tỉnh cần phải xây mới 65 chợ nông thôn và cải tạo 24 chợ cũ nhằm đáp ứng yêu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Qua điều tra, khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương thì không nhất thiết xã nào cũng phải có chợ. Có nhiều địa phương đầu tư tiền tỷ để xây dựng chợ nhưng số hộ kinh doanh rất ít, thậm chí bị bỏ hoang gây lãng phí. Chẳng hạn chợ Quảng Phước (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) xây dựng nhiều năm qua với kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn không có hộ nào vào chợ để kinh doanh, mua sắm. Nguyên nhân chợ bỏ hoang được nhận thấy rất rõ là xã Quảng Phước giáp ranh với thị trấn Sịa có trung tâm thương mại lớn với đầy đủ các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu đảm bảo phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Chợ Quảng Phước vì thế được xây dựng là không cần thiết.

Trong khi một số nơi “thừa chợ” thì có nhiều địa phương đang thiếu chợ. Khoảng 80 chợ trên địa bàn tỉnh chỉ bằng lều, lán tạm bợ là con số đáng quan tâm, nhất là trong tiến trình xây dựng NTM. Yêu cầu của Quốc gia về xây dựng NTM, thì mỗi địa phương cần phải có chợ đạt chuẩn là điều cần thiết. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, khu dân cư để bố trí, xây dựng chợ một cách hợp lý. Trong các đợt kiểm tra xây dựng NTM, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, không nhất thiết phải xây dựng chợ. Chẳng hạn, một số xã trên địa bàn huyện Nam Đông, như xã Hương Hòa theo chỉ đạo của tỉnh là không cần có chợ. Dân số ở các địa phương trên địa bàn huyện Nam Đông và một số địa phương khác rất ít nên từ hai đến ba xã chỉ cần có một chợ là đủ. Chợ phải được quy hoạch tại vị trí, quy mô đảm bảo thuận lợi trong việc kinh doanh, giao lưu hàng hóa tại các địa phương.

Tại Bộ 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM quy định, chợ đạt chuẩn phải đáp ứng các yêu cầu: Có đủ các công trình của chợ nông thôn do xã quản lý (chợ hạng 3) được quy định trong TCVN 9211: 2012 Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế ban hành tại Quyết định 3621/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn Quốc gia. Các hoạt động tại chợ phải có tổ chức quản lý, điều hành, nội quy do UBND xã quy định và niêm yết công khai. Các điều kiện, như sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa cần được trang bị đầy đủ, đảm bảo yêu cầu. Các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Hoàng Thế